Tình trạng con người bị chó cắn ở Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, người Việt Nam bị chó cắn hàng năm lên tới 400-500 nghìn người. Trong số đó, có khoảng 80 đến 100 người bị tử vong do mắc bệnh dại từ chó sau khi bị cắn.
Hiện nay, người dân thường xuyên nuôi chó và thả rông chúng nên tình trạng con người bị chó cắn đang ngày càng phổ biến hơn. Chó cắn là nỗi sợ của rất nhiều người, hơn nữa tình trạng này còn gây ra nhiều hao phí về tiêm phòng và điều trị sau khi bị phơi nhiễm. Cả nước ta nuôi có khoảng 5,4 triệu con chó, 3.5 triệu do các hộ dân nuôi. Tuy nhiên chỉ có khoảng 39% (2.1 triệu con) đã được tiêm phòng.
Cục thú y cho biết trong thời gian tới nguy cơ con người bị mắc bệnh dại sẽ tiếp tục tăng do có nhiều vùng quản lý chó chưa tốt. Từ năm 2018 đến nay, số vụ chó nhà cắn chủ gây ra thương tích nghiêm trọng đã nhiều hơn.
Khi bị chó cắn thì cần xử trí như thế nào?
Thực hiện sơ cứu ngay lập tức: Điều đầu tiên bạn nên làm sau khi bị chó cắn là tránh xa nó. Tạo khoảng cách với chó sau sẽ làm giảm nguy cơ bạn bị chó cắn lại.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết thương mà bạn nên chọn phương pháp xử trí phù hợp:
- Nếu da không bị rạn, hãy rửa vùng da đó bằng nước ấm và xà phòng. Bạn cũng có thể thoa kem dưỡng da kháng khuẩn lên khu vực này để phòng ngừa.
- Nếu là vết thương hở, hãy nên rửa vùng da đó bằng xà phòng và nước ấm rồi ấn nhẹ lên vết thương để máu chảy ra. Điều này sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn.
- Nếu vết cắn đã chảy máu, hãy đắp một miếng vải sạch lên vết thương và nhẹ nhàng ấn xuống để ngăn dòng chảy. Tiếp theo bôi thuốc mỡ kháng khuẩn vào vết thương và băng kín bằng băng vô trùng.
Hỏi về lịch sử tiêm phòng của chó:
- Nếu chủ của con chó ở gần đó, bạn nên hỏi các thông tin như lịch sử tiêm phòng dại của con chó cắn bạn, tên và số điện thoại của người chủ.
- Nếu con chó không có người đi kèm, hãy hỏi bất kỳ ai đã nhìn thấy vụ tấn công xem họ có quen thuộc với con chó và biết chủ sống ở đâu không.
- Tất nhiên, bạn cũng có thể bị chính con chó của mình cắn. Vì lý do này, hãy đảm bảo cập nhật các lần tiêm phòng bệnh dại cho chó của bạn. Ngay cả một con vật thân thiện, hiền lành đôi khi cũng có thể cắn bạn.
Thường xuyên kiểm tra vết cắn để xem có các biểu hiện như: đỏ, sưng hoặc nóng. Nếu vết thương trở nên nghiệm trọng hơn như cảm thấy đau hoặc phát sốt, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Tất cả các vết thương do chó cắn, ngay cả những vết thương nhỏ, cần được theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng cho đến khi chúng hoàn toàn lành lặn.
Các biến chứng có thể xảy ra khi bị chó cắn
Vết cắn của chó có thể gây ra một số biến chứng như nhiễm trùng, bệnh dại, tổn thương thần kinh hoặc cơ.
- Nhiễm trùng: một số loại vi khuẩn có thể sinh sống trong miệng chó như vi khuẩn tụ cầu, vi khuẩn pasteurella và vi khuẩn capnocytophaga. Nếu vết cắn làm rách da thì những vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng. Chó cũng có thể mang MRSA. Tuy nhiên chưa có báo cáo nào cho thấy MRSA được truyền qua vết chó cắn. Nguy cơ nhiễm trùng có thể lớn hơn ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc những người mắc bệnh tiểu đường. Nếu bạn bị chó cắn và nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ.
- Tổn thương dây thần kinh và cơ: Vết cắn sâu có thể gây tổn thương dây thần kinh, cơ và mạch máu dưới da. Tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi vết thương có vẻ nhỏ, chẳng hạn như vết đâm thủng.
- Xương bị gãy: Một vết cắn của một con chó lớn có thể dẫn đến gãy xương, đặc biệt là xương ở chân, bàn chân hoặc bàn tay. Nếu bạn nghi ngờ gãy xương hoặc bị gãy xương thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
- Mắc bệnh dại: bệnh dại là một tình trạng nhiễm virus nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày kể từ khi nhiễm trùng. Khi bạn bị chó cắn mà không chắc chắn về tiền sử tiêm phòng của chúng hoặc biết rằng chủ của con chó không cập nhật về việc tiêm phòng bệnh dại thì cần đến thăm khám và điều trị tại cơ sở y tế ngay lập tức.
- Uốn ván: uốn ván là bệnh gây ra bởi vi khuẩn. Tuy nhiên, ở Việt Nam hầu hết mọi người đã được tiêm phòng uốn ván thường xuyên từ khi còn nhỏ. Mặc dù vậy người lớn cũng nên tiêm phòng uốn ván để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Sẹo: vết thương hở có thể gây ra sẹo. Trong nhiều trường hợp, sự xuất hiện của sẹo nhẹ sẽ giảm dần theo thời gian. Đối với những vết sẹo nặng hoặc sẹo ở vùng dễ nhìn thấy như mặt, bạn có thể lựa chọn ghép hoặc phẫu thuật thẩm mỹ.
- Tử vong: Đây là hậu quả tồi tệ nhất khi bị chó cắn.
Bạn có cần phải tiêm phòng dại khi bị chó cắn không?
Nếu sau khi bị chó cắn mà bạn có biểu hiện của bệnh dại như sùi bọt mép, hoạt động thất thường thì bạn nên đi tiêm vacxin phòng bệnh dại. Vắc xin được tiêm dưới dạng một loạt bốn mũi tiêm trong vài tuần.
Tiêm vacxin sẽ cung cấp thêm globulin miễn dịch bệnh dại giúp cơ thể không bị mắc bệnh. Việc tiêm vacxin còn được xem như là một phần của quá trình điều trị. Bệnh dại là một tình trạng có khả năng gây tử vong, tuy nhiên có thể ngăn ngừa nếu được tiếp nhận điều trị y tế ngay lập tức.
Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm trùng?
Vết thương khi bị chó cắn có thể là cơ hội cho vi khuẩn nguy hiểm xâm nhập vào cơ thể. Sự tấn công của vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải rửa vết thương ngay sau khi bị cắn và sử dụng thuốc kháng sinh tại chỗ, chẳng hạn như povidone iodine. Bạn có thể bôi trong và xung quanh vùng da bị tổn thương. Sau đó, bạn băng kín vết thương và thay băng hàng ngày.
Sau khi bị chó cắn từ 24 giờ đến 14 ngày, các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng có thể xuất hiện tùy thuộc vào bệnh cảnh. Vì vậy, trong khoảng thời gian này bạn cần đặc biệt lưu ý đến vết thương để sớm phát hiện ra dấu hiệu của nhiễm trùng.
Nhiễm trùng có thể lây lan nhanh chóng sang các cơ quan khác ở khắp cơ thể. Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Bạn có thể cần dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Nếu bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn, bạn có thể sẽ dùng thuốc trong 1 đến 2 tuần. Không ngừng dùng thuốc ngay cả khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm hoàn toàn.
Bác sĩ sẽ điều trị như thế nào nếu bạn bị chó cắn?
Thông thường bác sĩ sẽ muốn biết về con chó cắn bạn, cũng như sự việc bạn bị chó cắn diễn ra như thế nào để đưa ra được phương pháp điều trị phù hợp nhất. Nếu có lo ngại về nhiễm trùng, bác sĩ có thể sẽ làm sạch vết thương một lần nữa, bôi thuốc mỡ kháng sinh và kê đơn thuốc kháng sinh, chẳng hạn như Augmentin. Bác sĩ có thể đề nghị tiêm phòng uốn ván nếu vết thương lớn và bẩn.
Tùy thuộc vào vết thương, bác sĩ cũng có thể đề nghị khâu. Tuy nhiên, các vết thương của chó cắn thường vẫn để hở khi điều trị. Trừ khi vết thương ở trên mặt hoặc có nguy cơ để lại sẹo đặc biệt nghiêm trọng.
Cách phòng tránh chó cắn
Giảm nguy cơ bị chó cắn:
- Không hoảng loạn: khi bạn bỏ chạy, kêu thét và kích động sẽ vô tình kích thích bản tính săn mồi của chó trỗi dậy. Bạn nên giữ tư thế bất động như một cái cây khi chó đến gần vì có thể làm chó mất hứng thú và bỏ đi.
- Không cố bỏ chạy nếu bạn đang đi bộ: khi đang chạy bộ tốc độ của bạn không thể thắng được tốc độ của chó. Hơn nữa, cũng có rất nhiều trường hợp đi xe đạp cũng vẫn bị chó đuổi kịp. Tốt nhất là bạn nên tìm một nơi để trốn.
Đề phòng:
- Khi con chó quá hung hãn, không thể xoa dịu thì bạn cần nghiêm khắc ra lệnh để nó bỏ đi. Tuy nhiên, khả năng chó bỏ đi rất thấp.
- Khi chó chuẩn bị tấn công, bạn cần chống trả để bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng đá, gạch tấn công vào mũi, cổ họng hoặc gáy của nó. Những điểm yếu này sẽ khiến chó bị bất ngờ và choáng. Đây chính là thời gian tuyệt vời để bạn tìm đường trốn thoát.