Chế độ ăn uống không hợp lý không chỉ là yếu tố nguy cơ mà còn là nguyên nhân khiến cho bệnh trĩ trở nên trầm trọng hơn. Trong bài viết này, Tạp chí Y Học Việt Nam sẽ tư vấn cho các bạn “Bệnh trĩ nên ăn gì? kiêng gì?”
1, Giới thiệu chung về bệnh trĩ
Bệnh trĩ là căn bệnh phổ biến, tỷ lệ chiếm tới 20 đến 45%, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Bệnh trĩ là tình trạng biến đổi bất thường tại ống hậu môn, gây ra bởi tĩnh mạch hậu môn bị chèn ép mạnh, từ đó gây ra các triệu chứng như chảy máu, đau rát, sưng, nóng đỏ, búi tĩnh mạch (búi trĩ) có thể bị sa ra ngoài.
Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tiền sử mắc phải các bệnh liên quan tới hậu môn- trực tràng, bệnh lý liên quan tới đường tiết niệu- sinh dục, phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc sau sinh, đối tượng thường xuyên bị táo bón. Trong đó nguyên nhân chính nhiều người gặp phải chính là tình trạng táo bón kéo dài không được khắc phục, xử lý kịp thời.
Nhằm khắc phục tình trạng táo bón, bệnh nhân cần xây dựng chế độ ăn uống dinh dưỡng và khoa học, tránh làm tình trạng trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
2, Bệnh nhân bị bệnh trĩ nên ăn và uống gì?
2.1, Ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều chất xơ
Chất xơ là yếu tố quan trọng hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi hơn, tránh tình trạng chướng bụng, đầy hơi hay táo bón. Mỗi ngày cần bổ sung một lượng chất xơ phù hợp với thể trạng cơ thể, không nên dung nạp quá nhiều chất xơ vào cơ thể. Chất xơ có tính giữ nước nên nếu bổ sung quá nhiều có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn ruột, gây khó khăn trong hoạt động của dạ dày.
Một số loại thực phẩm giàu chất xơ được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân bị trĩ bao gồm:
- Một số loại rau, củ như mướp đắng, súp lơ, rau xanh, cà rốt, khoai lang, rau khoai lang, rau diếp cá, củ cải đỏ, bầu, bí, rau đay.
- Một số các loại hạt, ngũ cốc gồm đậu tương, đậu đen, yến mạch, gạo lứt.
- Một số các loại trái cây như cam, bưởi, quýt, dưa hấu.
2.2, Bổ sung các thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 có tác dụng thúc đẩy quá trình tạo lớp màng nhầy tại niêm mạc, chống viêm, nâng cao sức đề kháng, tăng cường các yếu tố bảo vệ cho thành mạch. Do vậy, bổ sung đầy đủ omega 3 cho cơ thể là việc làm rất cần thiết, giảm tỷ lệ mắc trĩ ở các đối tượng có nguy cơ cao. Một số loại thực phẩm cung cấp hàm lượng lớn omega 3 cho cơ thể như hạt chia, hạt lanh, cá hồi.
2.3, Các thực phẩm cung cấp hàm lượng lớn vitamin C
Vitamin C có công dụng tăng cường sức đề kháng của thành mạch máu, tránh làm tình trạng bệnh lý trở nên trầm trọng hơn. Bổ sung vitamin C qua chế độ ăn uống khoa học như bông cải xanh, đu đủ, cam, bưởi, kiwi, dâu tây. Ngoài ra, để cân bằng lượng vitamin C trong cơ thể, bệnh nhân cần tránh sử dụng các sản phẩm đồ ăn đóng gói, đồ ăn vặt.
2.4, Các thực phẩm cung cấp hàm lượng lớn vitamin E
Vitamin E là một loại vitamin quan trọng đối với cơ thể. Vitamin E có tác dụng ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, thúc đẩy quá trình làm lành các tế bào bị tổn thương, hỗ trợ làm nhỏ kích thước búi trĩ một cách tự nhiên và không gây đau đớn.
Một số loại thực phẩm chứa hàm lượng lớn vitamin E như rau cải xanh, rau chân vịt, đu đủ, bơ.
2.5, Ăn nhiều các thực phẩm có chứa sắt
Bệnh nhân bị trĩ thường bị xuất huyết khi đi đại tiện, dẫn tới tình trạng mất máu nhiều. Do đó cần bổ sung sắt để thúc đẩy quá trình tạo máu trong cơ thể.
Trong chế độ ăn uống hàng ngày nên bổ sung các loại thực phẩm như việt quất, rau cải bó xôi, khoai tây, rau cần, hạt điều, khoai tây, cá ngừ, lòng đỏ trứng, sữa và nhiều loại hạt khác.
2.6, Bổ sung các loại thực phẩm có chứa kẽm và magie
Magie và kẽm là hai loại khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể, hỗ trợ cho quá trình phát triển của các mô tế bào và cơ, tăng cường tác dụng nhuận tràng, kháng khuẩn và chống viêm, rút ngắn thời gian làm lành các vết thương.
Các loại thực phẩm có chứa kẽm và magie như chocolate, các loại hạt và ngũ cốc, nho khô, quả hạnh nhân.
Ngoài các loại thực phẩm cần được bổ sung trong chế độ ăn như trên, bệnh cần cần duy trì thói quen uống nhiều nước mỗi ngày. Bổ sung ít nhất từ 2 đến 2.5 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa tốt hơn, giúp phân mềm để tránh tình trạng táo bón thường gặp ở người bị trĩ. Ngoài nước uống thông thường, bệnh nhân có thể uống các loại nước ép từ rau xanh, nước ép trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
3, Bệnh nhân bị bệnh trĩ cần kiêng ăn và uống gì?
3.1, Bệnh nhân bị trĩ không nên sử dụng các loại ngũ cốc đã loại bỏ lớp cám
Các loại ngũ cốc đã loại bỏ lớp cám còn được gọi là ngũ cốc tinh chế, thường được sử dụng làm nguyên liệu làm bánh quy, bánh mì; có nguy cơ cao gây táo bón, khiến cho tình trạng trĩ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân bị trĩ chỉ nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên cám mà không nên sử dụng ngũ cốc tinh chế.
3.2, Tránh ăn quá nhiều thịt trong chế độ ăn hàng ngày
Thịt chứa hàm lượng đạm lớn nhưng không có chất xơ, do đó dễ gây khó tiêu dẫn tới táo bón. Việc bổ sung chất đạm là cần thiết đối với cơ thể tuy nhiên cần kết hợp sử dụng chung với các loại rau xanh cũng như các loại thực phẩm tốt cho tiêu hóa.
3.3, Hạn chế sử dụng các đồ ăn cay nóng và chứa nhiều dầu mỡ
Đồ ăn cay nóng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới táo bón và đau rát khi đi đại tiện. Do đó sử dụng các thực phẩm có chứa ớt khiến tình trạng bệnh trĩ chuyển xấu và khó chữa trị hơn. Bên cạnh đó, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ (như đồ chiên rán, xào nấu) khiến cơ thể khó tiêu hóa, gây nóng trong và cũng dẫn tới tình trạng táo bón.
Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân bị trĩ nên tránh xa các đồ ăn cay nóng và nhiều dầu mỡ để nâng cao quá trình điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân bị trĩ không nên sử dụng các đồ ăn chứa nhiều đường hay chứa hàm lượng lớn tinh bột; thực phẩm chứa nhiều muối, các thực phẩm và đồ ăn được làm từ sữa.
Một số loại đồ uống mà bệnh nhân bị trĩ nên tránh bao gồm:
- Đồ uống có chứa cồn như rượu, bia: Các loại đồ uống như bia và rượu khiến người dùng phải đi tiểu nhiều lần, gây tình trạng mất nước trong cơ thể, làm phân cứng và khô, gây khó khăn trong đại tiện. Rượu và bia cũng là các tác nhân khiến vùng vết thương bị trĩ trở nên ngứa rát hơn so với bình thường.
- Đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà xanh: Hàm lượng lớn cafein có trong hai loại đồ uống trên gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hóa, không tốt cho quá trình điều trị bệnh trĩ.
- Các loại đồ uống có gas: Trong đồ uống có gas thường sử dụng lượng lớn đường hóa học, làm tăng thể trọng cơ thể, tạo áp lực lớn lên vùng hậu môn; đồng thời làm chậm quá trình tiêu hóa, dễ dẫn tới tình trạng táo bón.
- Nước dừa: Theo các chuyên gia, đối tượng bị trĩ không nên sử dụng nước dừa, do làm tăng nguy cơ chảy máu và viêm nhiễm tại vùng hậu môn, làm búi trĩ bị sa ra ngoài, gây khó khăn trong điều trị.
Kết luận, để cải thiện được tình trạng trĩ, đặc biệt là trĩ giai đoạn đầu, bệnh nhân nên kết hợp chế độ ăn uống khoa học và phù hợp với cơ thể, bổ sung nhiều các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và cơ thể; hạn chế các thực phẩm gây kích thích mạnh lên vết thương, đồng thời uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể được hoạt động một cách tối ưu.
Xem thêm: