Ý tưởng điên rồ cho rằng vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần nay đã trở thành một hướng nghiên cứu quan trọng.
Chỉ mới mười năm trước, những ý tưởng về các vi sinh vật đường ruột ở người có thể ảnh hưởng đến não bộ bị cho là điên rồ. Giờ thì mọi chuyện đã khác.
Mối liên hệ giữa hệ thống thần kinh trung ương và hàng nghìn tỷ vi khuẩn đường ruột – hệ vi sinh vật đường ruột (microbiota) – hiện là trọng tâm nghiên cứu chính, thu hút sự quan tâm đông đảo từ phía cộng đồng và cánh nhà báo. Nhưng mối liên hệ “ruột –não” này hoạt động như thế nào? Làm thế nào mà các vi sinh vật ảnh hưởng hoạt động của não bộ như trí nhớ và hành vi xã hội, và làm thế nào chúng có thể góp phần gây ra các bệnh như trầm cảm và thoái hóa thần kinh thì vẫn chưa rõ ràng và còn nhiều tranh cãi.
Phần lớn những gì chúng ta biết cho đến nay đều dựa trên các nghiên cứu về mối tương quan giữa các vi khuẩn đường ruột đặc trưng, các chất chuyển hóa của chúng và các triệu chứng thần kinh. Nhưng những tương quan này không chứng minh được mối liên hệ nhân quả. Nhiều nghiên cứu sử dụng mô hình động vật, nhưng chúng không phản ánh chính xác được các đặc điểm hoặc hành vi của con người. Các nghiên cứu ở người thì bị hạn chế vì: chúng thường dựa trên số lượng người tương đối nhỏ, và có thể không kiểm soát được sự đa dạng các yếu tố gây nhiễu – như chế độ ăn uống bất thường, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống trầm cảm – những thứ có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật.
Một nghiên cứu được công bố trong tuần này trên tạp chí Nature Microbiology đã trả lời được một số câu hỏi quan trọng (M. Valles-Colomer et al. Nature Microbiol.https: //doi.org/10.1038/s41564-018-0337-x; 2019 ). Các tác giả đã sử dụng công nghệ giải trình tự DNA để phân tích hệ vi sinh vật đường ruột trong phân của hơn 1.000 người đăng ký tham gia Dự án Belgium’s Flemish Gut Flora. Sau đó nhóm đã chỉ ra được mối tương quan giữa “hệ vi sinh vật ở những nhóm người được phân dựa trên chất lượng cuộc sống khác nhau” với “tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm” bằng cách sử dụng các bản đánh giá cá nhân và chẩn đoán do bác sĩ cung cấp. Các nhà nghiên cứu xác nhận những phát hiện trong một nhóm riêng gồm 1.063 người trong Dự án Netherlands’ LifeLines DEEP. Cuối cùng, họ khai thác dữ liệu để tạo ra một danh mục mô tả khả năng mà hệ vi sinh vật đường ruột sản xuất hoặc phân hủy các phân tử có thể tương tác với hệ thống thần kinh người.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hai nhóm vi khuẩn, Coprococcus và Dialister, có số lượng giảm ở những người bị trầm cảm. Và họ đã thấy một mối tương quan tích cực giữa chất lượng cuộc sống và khả năng tiềm tàng của hệ vi sinh vật đường ruột tổng hợp một chất chuyển hóa (breakdown product) của chất dẫn truyền xung thần kinh dopamine, được gọi là acid 3,4-dihydroxyphenylacetic. Đây là một trong những chứng cứ rõ ràng nhất cho đến giờ cho thấy hệ vi sinh đường ruột của một người có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người đó.
Tuy nhiên, chứng cứ này cũng chỉ mới ở mức tương quan, không phải là mối quan hệ nhân quả. Các nhà nghiên cứu biết rằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể tạo ra hoặc kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và các hợp chất hoạt động thần kinh, như serotonin, GABA và dopamine và các chất này có thể điều chỉnh sự phát triển của vi khuẩn. Thách thức bây giờ là tìm hiểu xem liệu và làm thế nào, các phân tử có nguồn gốc từ vi khuẩn này có thể tương tác với hệ thần kinh trung ương của con người và liệu điều đó có làm thay đổi hành vi hay nguy cơ mắc bệnh của một người hay không. Ít nhất bây giờ, hướng nghiên cứu về mối liên hệ giữa hệ vi khuẩn ruột và sức khỏe thần tinh thần không còn bị xem là điên rồ nữa.