Nhằm đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân tham gia Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế. Đây là căn cứ quan trọng cho các bệnh viện xây dựng danh mục thuốc sử dụng phù hợp với mô hình bệnh tật, trình độ kỹ thuật, khả năng tài chính của BV, và là cơ sở để cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân. Để kịp thời thích ứng và phù hợp với những thay đổi trong điều kiện mới, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa danh mục thuốc qua các giai đoạn. Sau 4 năm kể từ khi thực hiện thông tư 40/2014/TT-BYT (Thông tư 40) về danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, ngày 30/10/2018, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 30/2018/TT-BYT (Thông tư 30) về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, thay thế cho Thông tư số 40/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế và các sửa đổi, bổ sung cho Thông tư số 40/2014/TT-BTC tại Thông tư 36/2015/TT-BYT ngày 29/10/2015 và Điều 4 Thông tư số 50/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017.
So với Thông tư 40 và các văn bản liên quan, Thông tư 30 có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Về cấu trúc danh mục thuốc và phân hạng sử dụng
+ Theo thông tư 30, các thuốc được cập nhật lại theo 27 nhóm lớn, theo mã ATC (giải phẫu, điều trị, hóa học) bao gồm 1030 hoạt chất/phối hợp hoạt chất trong Phụ lục 01 (so với 1064 mục trong Thông tư 40 cũ) và Danh mục thuốc phóng xạ và chất đánh dấu bao gồm 59 thuốc trong Phụ lục 02 (so với 57 mục trong Thông tư 40 cũ)
+ Về đường dùng: Bổ sung đường dùng nhỏ tai, đường nhỏ mũi; đường dùng, dạng dùng khác được ghi cụ thể trong Danh mục.
+ Về hạng bệnh viện được sử dụng: Thông tư quy định chi tiết cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng chưa được phân hạng bệnh viện bao gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước thuộc hệ thống Quân đội, Công an; Bệnh viện tư nhân; Phòng khám tư nhân; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật của tuyến cao hơn phân theo theo tuyến chuyên môn, kỹ thuật, Cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tỉnh sử dụng các thuốc không đi kèm với dịch vụ kỹ thuật.
+ So với Thông tư 40, trong Thông tư 30 có khoảng 118 hoạt chất/phối hợp hoạt chất sẽ ngừng được thanh toán BHYT khi thông tư này có hiệu lực. Đối với thuốc phối hợp, trước đây Thông tư 40 thanh toán cho thuốc phối hợp khi từng hoạt chất riêng lẻ được thanh toán (trừ vitamin và khoáng chất). Tuy nhiên, Thông tư 30 đã bỏ quy định này và tại Phụ lục 01 đã chỉ rõ các phối hợp thuốc được thanh toán BHYT. Như vậy, các phối hợp thuốc trong một số biệt dược sẽ không còn được thanh toán BHYT khi Thông tư 30 có hiệu lực. Đồng thời, có một số hoạt chất cũng có những thay đổi quan trọng về tỷ lệ và điều kiện thanh toán.
+ Thông tư 30 có thêm khoảng 65 hoạt chất/phối hợp hoạt chất được bổ sung mới vào danh mục thuốc được hưởng của người tham gia BHYT và đây là một tin vui đối với nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như ung thư, đái tháo đường, viêm gan siêu vi C…
Về nguyên tắc chung về thanh toán chi phí thuốc đối với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế
+ Quỹ bảo hiểm thanh toán trong trường hợp chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hồ sơ đăng ký thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép hoặc hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Trường hợp khác, Bộ y tế sẽ lập hội đồng xem xét cụ thể từng trường hợp.
+ Đối với thuốc, lô thuốc đã có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về quy định thanh toán với một số thuốc
+ Các thuốc có ký hiệu dấu (*) là thuốc phải được hội chẩn trước khi sử dụng, trừ trường hợp cấp cứu. Đối với thuốc kháng sinh có ký hiệu (*), Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi thực hiện đúng quy trình hội chẩn khi kê đơn theo quy định.
+ Quy định chi tiết về các thuốc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bào chế hoặc pha chế.