Các nhà nghiên cứu tại Học viện Y khoa lâm sàng Edmonton thuộc Đại học Alberta (Edmonton, Alberta, Canada) vừa công bố một bài tổng quan đánh giá về 10 loại chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất cho người bị đái tháo đường.
Thực phẩm chứa acid alpha- lipoic
Alpha lipoic acid (ALA) có thể kích thích tuyến tụy tăng tiết insulin. Bệnh nhân thường được sử dụng bổ sung khi có các biến chứng trên thần kinh ngoại biên và chỉ định này nhận được sự ủng hộ bởi một nghiên cứu có đối chứng. Theo bài đánh giá, ALA không gây tương tác thuốc nghiêm trọng.
Thực phẩm chứa Crom
Bệnh nhân đái tháo đường có thể sử dụng crom nếu có tình trạng thiếu hụt vi chất này hoặc kiểm soát bệnh kém. Một số bằng chứng cho thấy crom có thể làm giảm 0,6% HbA1c. Những bệnh nhân có bệnh thận nên thận trọng khi sử dụng chế phẩm này. Ngoài ra, crom có thể tương tác với levothyroxin.
Thực phẩm chứa Magnesi
Thiếu hụt magnesi là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân mắc đái tháo đường lâu ngày hoặc đái tháo đường không kiểm soát. Magnesi có khả năng gây một số tương tác nên dược sĩ cần kiểm soát các nguy cơ có thể xảy ra.
Khổ qua (Momordica charantia Cucurbitaceae)
Khổ qua có thể làm hạ đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1. Chưa có tương tác thuốc nào được ghi nhận.
Quế (Cinnamomum cassia Lauraceae)
Quế bì (cassia) – khác với loại quế quan được bán trong các cửa hàng (verum) – cũng cho thấy tác động hạ đường huyết. Cần chú ý quế bì có chứa coumarin, ở liều cao có thể gây hoặc góp phần gây độc gan.
Cỏ cà ri (Trigonella foenum-graecum Fabaceae)
Cỏ cà ri thường được sử dụng cho người đái tháo đường do có khả năng làm hạ đường huyết và các chỉ số đường huyết khác. Bệnh nhân bị dị ứng với đậu phộng không nên dùng do có nguy cơ dị ứng chéo. Chế phẩm này cũng có thể gây chảy máu hoặc bầm tím.
Dây thìa canh (Gymnema sylvestre Apocynaceae)
Dây thìa canh có tác động làm hạ đường huyết và hạ lipid huyết ở những bệnh nhân dùng ít nhất 3 tháng. Không có những tác động có hại nghiêm trọng.
Cây kế sữa (Silybum marianum Asteraceae)
Kế sữa (silymarin) là một cây thuộc họ cúc, có thể tạo được một số tác động hạ đường huyết và lipid huyết. Nghiên cứu gần đây cho thấy dùng 600mg silymarin mỗi ngày có thể hạ đường huyết đói và giảm 20% nhu cầu insulin của cơ thể. Dược liệu này này có khả năng gây ra các tương tác thuốc thông qua hệ CYP450 và có thể tương tác với tamoxifen, raloxifen và sirolimus.
Nấm linh chi (Ganoderma lucidum Ganodermataceae)
Nấm linh chi đã được chứng minh là làm hạ HbA1c nhưng cần phải thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân giảm tiểu cầu do liều cao gây giảm kết tập tiểu cầu. Chế phẩm này thường gây nhiều tác động có hại hơn so với những loại khác, bao gồm khô miệng, ngứa và kích ứng đường tiêu hóa.
Dâu tằm (Morus alba Moraceae)
Dâu tằm chứa các đường imino, có thể ngăn cản quá trình tiêu hóa và hấp thu các đường đơn. Các nghiên cứu hiện nay vẫn còn mâu thuẫn về việc sử dụng loại chế phẩm này.
Tài liệu tham khảo
Necyk C, Zubach-Cassano L. Natural Health Products and Diabetes: A Practical Review. Can J Diabetes.