Biên tập: Nguyễn Tô Huỳnh Châu – Sinh viên Dược năm IV – Đại học Hutech.
Ung thư là một trong những bệnh lý nghiêm trọng và phức tạp nhất hiện nay, gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe người bệnh cũng như sự căng thẳng cho gia đình. Điều trị ung thư là một thách thức lớn đối với nhân viên y tế, cả bệnh nhân và gia đình của họ. “Trị liệu bằng âm nhạc” (music therapy) đã được áp dụng cùng với các can thiệp y khoa để giảm bớt các triệu chứng và tác dụng phụ của việc điều trị bằng hóa trị, xạ trị cũng như đáp ứng các nhu cầu tâm lý ở những bệnh nhân ung thư. [1][2]
“TRỊ LIỆU BẰNG ÂM NHẠC” là gì? [2][3]
Theo Hiệp hội âm nhạc Trị liệu Hoa Kỳ (American Music Therapy Association – AMTA): “Trị liệu bằng âm nhạc là sử dụng âm nhạc để cải thiện thể chất, cảm xúc, nhận thức của bệnh nhân”. Vì âm nhạc là nghệ thuật phi ngôn ngữ độc đáo, có tính sáng tạo, có ảnh hưởng đến con người về mặt cảm xúc, tinh thần, tình cảm và cả thể chất. Do đó, phương pháp này được áp dụng trong trị liệu đối với các bệnh nhân ung thư.
Trị liệu bằng âm nhạc không chỉ giúp bệnh nhân giảm đi những cảm xúc tiêu cực mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích khác cho bệnh nhân như:
- Cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Kiểm soát sự đau đớn.
- Giảm sự khó thở.
- Tăng tế bào diệt tự nhiên (một thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch cơ thể nhằm hỗ trợ việc loại bỏ các tế bào ung thư) .
Đối với phương pháp “Trị liệu bằng âm nhạc” trong ung thư, cần sử dụng âm nhạc phù hợp với lộ trình điều trị, chăm sóc… Những thể loại âm nhạc phù hợp được nghiên cứu và đề xuất bởi các nhà lâm sàng hoặc người có chuyên môn. Mỗi bệnh nhân khác nhau sẽ có những giai điệu khác nhau phù hợp với tình trạng bệnh của mỗi người. Mặc dù trị liệu bằng âm nhạc không thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến căn bệnh về mặt sinh lý bệnh ung thư, nhưng nó có tác động lớn đến tâm trạng của bản thân người bệnh và tạo ra cảm xúc tích cực cho họ. Từ đó, góp phần tạo nên sự thành công trong quá trình điều trị.
Hiệu quả của “trị liệu bằng âm nhạc” đối với bệnh nhân ung thư đã được ghi nhận qua hơn 81 nghiên cứu với 5576 người tham gia bao gồm cả người lớn và trẻ em. Kết quả nghiên cứu cho thấy “trị liệu bằng âm nhạc” có tác dụng tích cực đối với tình trạng lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi, đau đớn… của người bệnh bên cạnh đó, có thể điều hòa nhịp tim và huyết áp ở người lớn mắc bệnh ung thư… [1][4][5]
PHÂN LOẠI [1]
“Trị liệu bằng âm nhạc” được chia thành hai loại: chủ động và thụ động
- Ở dạng chủ động, bệnh nhân là người trực tiếp trải nghiệm và tạo ra âm nhạc như chơi nhạc cụ, ca hát… Chơi các nhạc cụ tạo điều kiện cho cảm giác kiểm soát, vì bệnh nhân đóng một vai trò trực tiếp trong việc tạo ra âm thanh và nhịp điệu. Dạng chủ động cũng là một trong những phương pháp hỗ trợ trị liệu ung thư vú. Hình thức trị liệu này giúp những người sau điều trị ung thư vú lấy lại khả năng vận động, tạo năng lượng, chữa lành và hồi phục cả về thể chất và cảm xúc.
- Ở dạng thụ động, bệnh nhân chỉ cần nghe nhạc trực tiếp hoặc nhạc đã được ghi âm sẵn. Hình thức này dễ dàng áp dụng hơn trong môi trường bệnh viện. Một khía cạnh quan trọng khác, nghe nhạc giúp làm giảm các triệu chứng và tác dụng phụ khi điều trị bằng hóa trị, xạ trị,… Bệnh nhân được hóa trị hay xạ trị thường gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như buồn nôn, khó thở và nhiều triệu chứng giống như cúm.[1] Nghe nhạc là hình thức trị liệu có thể giúp tâm trí bệnh nhân thoát khỏi sự khó chịu do trong quá trình điều trị gây ra, giảm bớt căng thẳng, sợ hãi và trầm cảm. Trong bệnh viện, đặc biệt là các khoa phòng điều trị ung thư, bệnh nhân thường phải trải qua các nỗi lo sợ về sự đau đớn, sự tái phát bệnh, cái chết. Nếu như thuốc và các can thiệp y học giúp cải thiện tình trạng sức khỏe về mặt chuyên môn y khoa, thì âm nhạc là liều thuốc tinh thần vô cùng hữu hiệu giúp giảm đau, thắp lên niềm tin, hy vọng cho người bệnh.
Hiện chưa có tác dụng phụ nào được báo cáo đối với phương pháp “trị liệu bằng âm nhạc”.
KẾT LUẬN
“Trị liệu bằng âm nhạc” có thể có tác dụng đối với tình trạng lo lắng, trầm cảm, đau đớn và mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư. Đó là những kết quả quan trọng đối với những người mắc bệnh ung thư khi sử dụng âm nhạc hỗ trợ trong quá trình điều trị. Hơn nữa, âm nhạc có thể có tác động tích cực đến nhịp tim và huyết áp. Từ đó giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện tình trạng sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
[1] Stanczyk .M .M. Music therapy in supportive cancer care. Rep Pract Oncol Radiother. 2011 Sep; 16(5): 170–172.
[2] Bradt Joke, et al. Music interventions for improving psychological and physical outcomes in cancer patients. 15 August 2016.
[3] American Music Therapy Association. AMTA Official Definition of Music Therapy. 2005.
[4] Ozdemir Semra, et al. The effect of relaxing music on heart rate and heart rate variability during ECG GATED-myocardial perfusion scintigraphy. Complement Ther Clin Pract. 2015 May;21(2):137-40.
[5] Teague Aaron, et al. Music interventions for improving psychological and physical outcomes in cancer patients. Cochrane Database Syst Rev. 2016 Aug 15;(8):CD006911.