Các vụ bê bối gần đây về dược phẩm không đạt tiêu chuẩn dường như đã giáng một đòn mạnh lên tham vọng của Bắc Kinh trở thành một nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực dược phẩm – ngay cả khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách trấn an công chúng.
Làn sóng phẫn nộ của người dân đã bùng nổ sau khi một loại vắc-xin phòng bệnh dại cho người được sản xuất bởi Changchun Changsheng Biotechnology – một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất Trung Quốc – đã bị phát hiện vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn dược phẩm.
Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã cáo buộc công ty mẹ Changsheng Bio-technology đã làm giả các hồ sơ liên quan đến việc sản xuất cũng như giám sát một loại vắc-xin dùng cho trẻ sơ sinh. Changsheng trong tiếng Hoa có nghĩa là “cuộc sống dài lâu”.
Vào thứ Ba, chủ tịch của Changsheng đã bị giam giữ hình sự, cùng với mười bốn người khác liên quan đến vụ việc (báo chí nhà nước đưa tin).
Trong khi chưa có báo cáo nào về những người bị ảnh hưởng sức khỏe bởi vắc-xin bệnh dại, các nhà quản lý Trung Quốc đã ra lệnh cho công ty ngừng sản xuất và thu hồi sản phẩm trong khi các cuộc điều tra đang được diễn ra. Không chỉ lô thuốc bán tại thị trường nội địa mà các sản phẩm xuất khẩu cũng đang được kiểm tra chặt chẽ.
Changchun Changsheng cũng bị phát hiện trước đây đã từng bán một loại vắc-xin không đạt chuẩn cho bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván.
Những vụ việc gần đây đã đẩy giá cổ phiếu của Changsheng lao dốc mạnh. Công ty này đã mất hơn một nửa giá trị kể từ giữa tháng Bảy. Các cổ phiếu y tế khác trên thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng theo.
Viola Rothschild, một nhà nghiên cứu về Châu Á tại Hội đồng ngoại giao (Council on Foreign Relations – CFR) cho rằng: “Vụ việc của Changsheng, trường hợp mới nhất trong một chuỗi những bê bối về an toàn thực phẩm và dược phẩm, đã làm bùng lên những chỉ trích gay gắt về khả năng điều hành của chính phủ Trung Quốc cũng như những thúc đẩy của chính phủ nước này để xuất khẩu dược phẩm ra nước ngoài”.
Trung Quốc là thị trường chăm sóc sức khỏe lớn thứ hai thế giới trong năm 2017 – trị giá 122,6 tỷ đô la, theo IQVIA (tiền thân của hai công ty Quintiles và IMS Health) . Đây cũng là thị trường mới nổi lớn nhất trong ngành dược phẩm với mức tăng trưởng có thể đạt đến 145 tỷ USD đến 175 tỷ USD vào năm 2022.
Đầu tháng này, Hãng Dược phẩm Zhejiang Huahai của Trung Quốc cho biết họ cũng đang thu hồi một loại thuốc tim mạch được bán tại Hoa Kỳ sau khi Cơ quan y tế châu Âu phát hiện loại thuốc này có chứa tạp chất có thể gây ung thư.
Những sự việc như vậy có thể cản trở lĩnh vực dược phẩm, vốn là một phần trong kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh, một sáng kiến đầy tham vọng để Trung Quốc có thể trở thành nước dẫn đầu về công nghệ trên toàn cầu
“Các nhà sản xuất Trung Quốc (trên tất cả các lĩnh vực) đã rất cố gắng để làm thay đổi quan niệm rằng “Made in China” đồng nghĩa với “chất lượng thấp”, nhưng những sự cố như trên đã đục khoét lòng tin và là một lời nhắc nhở rằng mặc cho những cải cách và tiến bộ gần đây, những điều kiện về an toàn và kiểm nghiệm ở Trung Quốc vẫn không đạt tiêu chuẩn quốc tế”, Rothschild đã viết trong một bài đăng trên blog được công bố hôm thứ ba.
Những vụ bê bối gần đây xảy ra sau hơn hai năm sau khi cảnh sát ở tỉnh Sơn Đông cho biết họ đã phát hiện ra việc bán bất hợp pháp các loại vắc-xin trị giá gần 90 triệu USD.
Nhu cầu cấp bách của Trung Quốc đối với những loại thuốc an toàn và có giá cả phù hợp
Những vụ bê bối gần đây đã dấy lên những nghi ngờ về ngành công nghiệp dược phẩm Trung Quốc và khiến dân chúng thất vọng vì phải lo lắng về sự an toàn của các sản phẩm được dùng hàng ngày.
Các vụ bê bối dược phẩm xảy ra sau nhiều năm của các vấn đề trong kinh doanh thực phẩm của Trung Quốc, đã bị cản trở với những tuyên bố về sữa nhiễm độc và trứng giả.
Trên các mạng xã hội của Trung Quốc, nhiều người đã rất giận dữ và đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các quy định quốc gia về an toàn thực phẩm và dược phẩm.
Phương tiện truyền thông nhà nước đã phê phán nghiêm khắc những vi phạm này trong khi các quan chức chính phủ cao cấp hứa sẽ hành động nghiêm khắc.
Ông Tập thậm chí còn dành thời gian trong các chuyến thăm tới một số nước châu Phi để ra lệnh “điều tra kỹ lưỡng” vào “vụ sản xuất vắc-xin bất hợp pháp”. Ông Tập mô tả vụ việc là “ghê tởm và kinh khủng” và nói rằng hình phạt phải thật khắt khe, theo tờ Nhân Dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Hoa.
Những vụ bê bối vắc-xin ở Trung Quốc đã xuất hiện sau một cuộc tranh luận về vấn đề chăm sóc sức khỏe gây tranh cãi khác trong nước. Vấn đề này tập trung vào nhu cầu của những bệnh nhân không có khả năng chi trả bằng cho thuốc Brandname, nhấn mạnh mối quan tâm chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng ở một đất nước có dân số già hóa nhanh chóng.
Chủ đề nóng này đã trở thành chủ đề được quan tâm nhất của công chúng Trung Quốc từ một nguồn không mấy liên quan: bộ phim có doanh thu dẫn đầu phòng vé “Dying to Survive.” Bộ phim dựa trên lời trần tình của một bệnh nhân ung thư đã nhập thuốc rẻ tiền bất hợp pháp từ Ấn Độ.