Timothy Ray Brown- “Bệnh nhân Berlin’’, người duy nhất được chữa khỏi HIV, cuối cùng cũng có một “người bạn’’. Một thập kỷ sau khi Brown trở nên nổi tiếng nhờ thành công của kĩ thuật cấy ghép tế bào gốc giúp bệnh nhân này loại bỏ căn bệnh truyền nhiễm HIV, thế giới đã ghị nhận một trường hợp thứ hai –“bệnh nhân London”.
Nhận định về trường hợp này, Sharon Lewin, người đứng đầu Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Úc cho hay: “Đây không phải là chuyện nhỏ. Nó nói cho chúng ta biết rằng trường hợp của Timothy Brown không phải là duy nhất’’.
Mặc dù những biện pháp trị liệu mà hai bệnh nhân kể trên nhận được chỉ có thể được áp dụng trên một phần rất nhỏ trong số 37 triệu người nhiễm HIV trên toàn thế giới, câu chuyện của họ chỉ ra những chiến lược điều trị có khả năng ứng dụng rộng rãi hơn trong tương lai.
Để điều trị căn bệnh ung thư máu của mình, cả hai bệnh nhân nhiễm HIV “Berlin” và “London” đều được cấy ghép tế bào gốc từ người mang đột biến gen mã hóa CCR5. CCR5 là một protein bề mặt mà nhiều chủng HIV sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Trước khi cấy ghép, mỗi bệnh nhân đã phải trải qua quá trình hóa trị liệu với nhiều loại hóa chất độc hại nằm trong “phác đồ điều trị điều hòa –conditioning regimen” nhằm loại bỏ các tế bào ung thư tủy xương hiện có. Sau khi các tế bào đã bị suy yếu của người nhận được thay thế bằng các tế bào dòng máu kháng HIV có nguồn gốc từ việc cấy ghép, hai bệnh nhân này ngừng sử dụng thuốc kháng retrovirus (ARV) – loại thuốc làm suy giảm sự lây nhiễm của virus.
Theo các nhà khoa hoc, Brown vẫn trong tình trạng miễn nhiễm với HIV. Còn với “bệnh nhân London”, không có virus HIV nào được phát hiện trong mẫu máu suốt 18 tháng qua, ngoại trừ một đốm DNA virus mà các nhà nghiên cứu nghi ngờ đó chỉ là tín hiệu giả. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tế bào bạch cầu của anh này trở nên miễn nhiễm với các chủng HIV phụ thuộc CCR5, điều này cho thấy tế bào của người hiến tặng đã được ghép.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể nói “bệnh nhân London” đã khỏi bệnh – theo đánh giá của nhà virus học Ravindra Gupta tại Đại học Cao đẳng London, người dự kiến sẽ mô tả trường hợp “bệnh nhân London’’ tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội (CROI) ở Seattle, Washington và trực tuyến trên tạp chí Nature. Chỉ có thể nhận định là đã “thuyên giảm”, một phần vì nhóm nghiên cứu chưa kiểm tra virus HIV ở các mô khác ngoài mô máu của bệnh nhân này. “Hãy nói về khái niệm “khỏi bệnh”, sau hai năm nữa”. Gupta nói thêm.
Biện pháp tế bào gốc và cấy ghép tủy xương vẫn chưa thể chữa khỏi HIV cho nhiều bệnh nhân ung thư máu nhiễm HIV khác. Trong một số trường hợp, quá trình lây nhiễm dường như được kiểm soát trong một thời gian ngắn mà không cần dùng đến thuốc ARVs, tuy nhiên sau đó virus lại tái trở lại hoặc là bệnh nhân qua đời vì bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch.
Trong một số lần cấy ghép không thành công khác, mặc dù người hiến tặng không mang gene CCR5 bị đột biến, nhưng “phác đồ điều trị điều hòa” dường như đã làm giảm đáng kể số lượng tế bào chứa HIV tiềm ẩn, dạng mà hệ thống miễn dịch cũng không nhận ra được.
Nói về vấn đề này, Lewis cho hay: Đối với Brown, anh đã phải trải qua hai ca cấy ghép để điều trị bệnh bạch cầu, điều trị hóa chất chuyên sâu và trên hết là chiếu xạ toàn thân. ‘’bệnh nhân London’’, ngược lại, có chế độ điều trị nhẹ hơn nhắm vào bệnh ung thư hạch. Cả Brown và “bệnh nhân London” đều phải chịu đựng những hệ quả của phản ứng “vật chủ-và-cấy ghép” xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhận dạng mô chủ như yếu tố lạ và tấn công chính các mô này. Nghịch lý là chính hiện tượng này có thể mang tới lợi ích làm suy giảm các ổ nhiễm HIV. “Điều đó nói lên rằng không có phép màu nào trong “phác đồ điều trị điều hòa’’ cả”.
Năm 2014, amfAR – Quỹ Nghiên cứu AIDS, một tổ chức có trụ sở tại New York, đã bắt đầu tài trợ cho một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế thực hiện các ca cấy ghép ở người nhiễm HIV bị ung thư máu. ‘’Bệnh nhân London’’ là một trong 40 người trong nghiên cứu đó.
Timothy Henrich, bác sỹ lâm sàng tại Đại học California, San Francisco (UCSFS), từng chứng kiến sự quay trở lại của virus HIV ở hai bệnh nhân, người đã trải qua ‘phác đồ điều trị điều hòa” với sự suy giảm ấn tượng của “ổ chứa” HIV trong cơ thể. Tuy nhiên, tế bào cấy ghép của hai bệnh nhân này đều đến từ người cho mang gen CCR5 hoạt động bình thường. Có thể thấy ‘’Sự cấy ghép bền vững ’’ của gen đột biến CCR5 vào cơ thể người nhận là yếu tố cốt lõi của phương pháp điều trị, theo kết luận của Timothy.
Theo Steven Deeks – nhà nghiên cứu về HIV tại đại học UCSF, kết quả này còn thúc đấy các nỗ lực điều trị HIV bằng phương pháp làm “tê liệt” gene CCR5 mà không cần tới các can thiệp sâu như trường hợp ở Berlin và London. Ví dụ, Pablo Tebas – chuyên gia nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm cùng cộng sự của mình tại đại học Pennsylvania, đã làm một thí nghiệm như sau. Họ lấy tế bào bạch cầu từ bệnh nhân nhiễm HIV, loại bỏ gene CCR5 trong tế bào này bằng phương pháp chỉnh sửa genome- có tên gọi là “zinc finger nucleases”. Sau đó, các tế bào đã qua chỉnh sửa được nhân dòng và truyền lại vào người bệnh nhân. Họ hi vọng rằng các tế bào này sẽ cấy ghép và tồn tại trong mô máu của bệnh nhân.
Trong nghiên cứu mới nhất của họ, được trình bày tại CROI, nhóm Tebas cho hay trong 15 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp trên và ngừng sử dụng ARV, mặc dù virus HIV vẫn quay trở lại, nhưng chậm hơn một vài tuần so với những bệnh nhân không cấy ghép. Vẫn còn xa so với hai từ “khỏi bệnh”, nhưng Tebas nghĩ rằng việc kết hợp phương pháp này với các biện pháp can thiệp khác có thể là một cách của tương lai. Tin tức về ‘’bệnh nhân London’’ cũng khuyến khích nghiên cứu của Paula Cannon tại Đại học Nam California ở Los Angeles. Nhóm của cô đã và đang tìm hiểu cách thức làm đột biến gen CCR5 trực tiếp trong tủy xương của một người để mô phỏng tương tự hiệu quả của việc cấy ghép.
Thêm vào đó, trường hợp của “bệnh nhân London’’ và Brown có thể chỉ ra các cách để đánh giá sự thành công của một phương pháp chữa bệnh HIV tiềm năng trước khi dừng sử dụng ARV và xem xét liệu virus có quay trở lại hay không’’ – Rowena Johnston, giám đốc nghiên cứu tại amfAR cho biết. Một số loại protein và kháng thể HIV nhất định đã giảm trong máu của cả hai bệnh nhân, điều này có thể cung cấp chỉ số đánh giá sớm về việc liệu một phác đồ điều trị có hoạt động hay không.
Johnstomn nói thêm “Nếu như trong tương lai liệu pháp cấy ghép tế bào gốc không thể chữa khỏi HIV cho tất cả mọi bệnh nhân, thì việc biết những ai đã từng chữa khỏi, thu thập các thông tin liên quan tới họ vẫn là điều quan trọng để tìm ra cách điều trị HIV có quy mô rộng lớn hơn”.