Tổng quan về bệnh viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp là một nhóm bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm tại tuyến giáp do các nguyên nhân như tự miễn, nhiễm trùng. Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng cũng như diễn biến bệnh thay đổi phụ thuộc vào nguyên nhân và cơ chế gây bệnh. Có một số dạng viêm tuyến giáp thường gặp bao gồm: Viêm tuyến giáp Hashimoto, Viêm tuyến giáp cấp và viêm tuyến giáp bán cấp, viêm tuyến giáp hóa sợi.
Viêm tuyến giáp Hashimoto
Định nghĩa
Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng viêm mãn tính tự miễn của tuyến giáp với viêm thâm nhiễm tế bào lympho. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh bao gồm tuyến giáp to, không đau và suy giáp. Bệnh thường cần điều trị thay thế L-thyroxine suốt đời. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng suy giáp ở các bệnh nhân.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây nên bệnh hiện tại vẫn chưa được làm sáng tỏ nhưng có liên quan đến yếu tố di truyền như các rối loạn nhiễm sắc thể: hội chứng Down, hội chứng Turner và hội chứng Klinfelter. Ngoài ra bệnh thường đi kèm với các bệnh tự miễn khác như bệnh Addison, Đái tháo đường type 1, suy cận giáp, bạch biến.
Hơn nữa, bệnh có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ bao gồm: Stress, thai kỳ, người sử dụng quá nhiều các sản phẩm có chứa Iod, chán ăn tâm thần hoặc hội chứng cuồng ăn, hút thuốc lá.

Sinh lý bệnh
Ở người bình thường, hệ thống miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể trước các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài (kháng nguyên) nhưng ở những người mắc bệnh tự miễn và cụ thể là viêm tuyến giáp Hashimoto thì các tế bào miễn dịch tấn công các tế bào tuyến giáp, có sự thâm nhiễm giáp với lympho bào và tương bào cùng hình ảnh nang giáp bị phá hủy đi kèm các nang giáp tăng sản. Bệnh diễn biến lâu ngày sẽ dẫn tới suy giáp.
Xem thêm: Bệnh tiểu đường: Nguyên nhân, Dấu hiệu, Cách điều trị và Phòng tránh
Triệu chứng viêm tuyến giáp Hashimoto
Lâm sàng: Bướu giáp to lan tỏa, không đau, mật độ chắc, bề mặt nhẵn, ranh giới rõ và các hạch vùng lân cận không to. Giai đoạn đầu có thể bình giáp nhưng diễn biến lâu ngày có thể dẫn tới tình trạng suy giáp ở bệnh nhân (hạ thân nhiệt, tăng cân nhẹ, dị cảm đầu ngón tay, thay đổi về nhân cách, táo bón, nhịp tim chậm và có thể thấy hình ảnh tim to trên Xquang).
Cận lâm sàng: Tìm thấy các kháng thể kháng tuyến giáp như: thyroglobuline, kháng thể kháng peroxydase. Hormon tuyến giáp T3, T4 thường giảm đi kèm với nồng độ TSH cao. Xạ hình giáp thấy hình ảnh lốm đốm không đồng nhất.
Chẩn đoán
Chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm xuất hiện các kháng thể kháng tuyến giáp, nồng độ hormon tuyến giáp giảm và nồng độ TSH tăng.
Biện pháp điều trị
Với trường hợp được chẩn đoán viêm tuyến giáp Hashimoto nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng kèm với nồng độ hormon tuyến giáp bình thường thì bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và hẹn thăm khám định kỳ.
Với các bệnh nhân đã có biểu hiện rõ trên lâm sàng cần điều trị suốt đời bằng các thuốc thay thế hormon tuyến giáp và cụ thể là L-thyroxine liều 75-150 mcg/ ngày. Cần lưu ý sử dụng thuốc ở những bệnh nhân có bệnh nền tim mạch và thăm khám, xét nghiệm định kỳ để hiệu chỉnh liều phù hợp ở từng bệnh nhân.
Viêm tuyến giáp bán cấp
Định nghĩa
Viêm tuyến giáp bán cấp là một tình trạng viêm cấp tính của tuyến giáp chủ yếu gây ra bởi tác nhân virut. Các triệu chứng ở giai đoạn đầu là cường giáp, về sau có thể biểu hiện suy giáp. Điều trị với NSAIDs liều cao hoặc Corticosteroid. Bệnh có thể tự khỏi sau vài tháng.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh chủ yếu gây ra bởi một số loại virus như Coxsacki, Adenovirus và virus quai bị.
Sinh lý bệnh
Sự xâm nhập của tác nhân virus gây ra tình trạng viêm nhiễm tại tuyến giáp, hình ảnh mô bệnh học có thể thấy thâm nhiễm lympho bào, các tế bào khổng lồ, các tế bào lympho đa nhân và sự phá hủy của các nang giáp.

Triệu chứng bệnh viêm tuyến giáp bán cấp
Lâm sàng: Tiền triệu trước đấy có thể cảm cúm hoặc viêm đường hô hấp trên (sốt, ho, sổ mũi). Đau vùng cổ trước, đau di chuyển từ bên này sang bên khác, có thể lan lên tai và vùng dưới hàm nên có thể bị nhầm lẫn với đau răng, viêm họng hoặc viêm tai giữa, đau tăng lên khi nuốt và vận động cổ. Ở giai đoạn đầu bệnh nhân có các triệu chứng của cường giáp (tăng thân nhiệt, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tiêu chảy, run đầu chi…) do các nang tuyến giáp vỡ ra giải phóng hormon tuyến giáp vào máu. Khám thấy tuyến giáp to, đau, mật độ chắc, các hạch xung quanh không lớn.
Cận lâm sàng: Có biểu hiện viêm (tốc độ máu lắng tăng, bạch cầu tăng nhẹ hoặc bình thường, phần trăm bạch cầu trung tính tăng), xạ hình tuyến giáp thấy giảm hoặc mất độ tập trung iod, tăng nồng độ hormon tuyến giáp T3, T4 và giảm nồng độ TSH ở giai đoạn đầu. Về sau thấy nồng độ giảm T3, T4 tự do và tăng lại nồng độ TSH. Ngoài ra có thể tiến hành sinh thiết tuyến giáp bằng kim nhỏ hoặc siêu âm tuyến giáp Doopler thấy nhiều vùng giảm âm không đều và giảm lưu lượng máu.
Chẩn đoán
Chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng bao gồm cường giáp, tuyến giáp to, đau kèm tiền sử cảm cúm trước đó. Các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung cho chẩn đoán bao gồm biểu hiện viêm (tốc độ máu lắng tăng, tăng bạch cầu và phần trăm bạch cầu trung tính), nồng độ T4 tự do tăng, nồng độ TSH giảm và xạ hình tuyến giáp thấy hình ảnh giảm hoặc mất độ tập trung Iod.
Cách điều trị
Điều trị chủ yếu của viêm tuyến giáp bán cấp là NSAIDs liều cao hoặc Coricosteroid (như predisolone 15-30 mg/ngày giảm dần liều trong vòng 3-4 tuần). Ngoài ra, các triệu chứng cường giáp có thể được giảm bớt bằng thuốc chẹn Beta giao cảm.
Viêm tuyến giáp cấp
Định nghĩa
Là tình trạng viêm cấp tính của tuyến giáp biểu hiện rầm rộ trên lâm sàng. Là bệnh ít gặp chủ yếu gây ra bởi các ổ nhiễm khuẩn lân cận, điều trị chủ yếu là giảm đau và kháng sinh phổ rộng.
Nguyên nhân gây bệnh
Thường do vi khuẩn xâm nhập từ các ổ viêm ở vùng lân cận như: hầu họng, đầu cổ và nhiễm khuẩn qua đường máu. Tác nhân chủ yếu gây ra bệnh là: tụ cầu vàng, liên cầu, E.coli, vi khuẩn kỵ khí, Samonella.
Sinh lý bệnh
Các tác nhân gây bệnh theo các con đường (chủ yếu là đường máu) tới tạo ổ nhiễm khuẩn tại tuyến giáp nhưng không gây phá hủy nang giáp và thường tạo áp xe tại vùng cổ gây sưng, đau và hạn chế vận động vùng cổ.

Triệu chứng của bệnh viêm tuyến giáp cấp
Lâm sàng: Có hội chứng nhiễm trùng rõ (Sốt, mệt mỏi, lưỡi bẩn, hơi thở hôi), tại cổ xuất hiện abces có đặc điểm sưng, nóng, đỏ, đau và có thể lan lên vùng dưới hàm và tai. Bệnh nhân đau vùng cổ kèm khó nói và nuốt khó, các hạch bạch huyết vùng cổ sưng to.
Cận lâm sàng: Công thức máu bạch cầu tăng cao kèm tăng phần trăm bạch cầu đa nhân trung tính. Siêu âm tuyến giáp thấy vùng giảm âm, xạ hình thấy có vị trí không bắt iod tương ứng với abces. Ngoài ra, nồng độ các hormon T3, T4 và TSH bình thường, không có kháng thể kháng tuyến giáp. Chọc dò abces có mủ.
Tham khảo: Bệnh Parkinson: Nguyên nhân, Có mấy giai đoạn, Có chữa được không?
Chẩn đoán
Thấy hình ảnh abces đặc trưng tại tuyến giáp cùng biểu hiện nhiễm trùng rầm rộ trên bệnh nhân. Đi kèm với đó là nồng độ các hormon tuyến giáp T3, T4 và TSH bình thường, không có kháng thể kháng tuyến giáp. Siêu âm tuyến giáp thấy hình ảnh ổ giảm âm.
Biện pháp điều trị
Điều trị chủ yếu của viêm tuyến giáp cấp tính bao gồm: giảm đau NSAIDs, chọc dò dịch mủ, kháng sinh phổ rộng (hoặc dựa theo kết quả làm kháng sinh đồ dịch mủ) và điều trị triệt để các ổ nhiễm trùng kèm theo.