Trong phiếu xét nghiệm máu khi khám bệnh có mục chỉ số HCT. Vậy HCT là gì, ứng dụng của chỉ số này ra sao, hãy cùng tapchiyhocvietnam.com tìm hiểu trong bài viết này.
HCT là gì?
HCT- tên đầy đủ là Hematocrit, còn được gọi là dung tích hồng cầu, là tỷ phần trăm thể tích các tế bào máu (chủ yếu là hồng cầu) so với thể tích máu toàn phần.
Chức năng của tế bào hồng cầu là vận chuyển oxy từ phổi đến các mô, tế bào khác trong cơ thể, chính vì thế chỉ số HCT- tỷ lệ phần trăm thể tích hồng cầu trong máu- có thể trở thành một căn cứ mà dựa vào đó, các bác sĩ có thể xác định được khả năng gắn kết và vận chuyển oxy của hồng cầu. Nồng độ Hematocrit quá cao hoặc quá thấp có thể là dấu hiệu của rối loạn máu, mất nước hoặc các tình trạng bệnh lý nguy hiểm khác.
Xét nghiệm HCT như thế nào?
Xét nghiệm HCT cũng không quá phức tạp, dựa trên phương pháp điện ly tế bào máu toàn phần (chứa các thành phần: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương).
Kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ tiến hành lấy mẫu, cần một thể tích nhỏ khoảng từ 0.05 ml đến 0.1ml máu cho vào một ống mao quản. Sử dụng máy ly tâm ly tâm EDTA -treated quay với tốc độ 10.000 RPM trong năm phút để phân tách máu thành 2 lớp.
- Lớp phía dưới có màu đỏ là những tế bào hồng cầu được tách ra, dồn lại ở đáy ống.
- Lớp phía trên có màu vàng tro bao gồm những tế bào bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.
Nhờ đó có thể đo được thể tích của tế bào hồng cầu và tính được dung tích hồng cầu của cơ thể.
Công thức tính như sau:
HCT= [ V (Hồng cầu) : V (Toàn phần)] x 100% |
Có một số rủi ro và tác dụng phụ đi kèm với xét nghiệm hematocrit xảy ra trong quá trình lấy mẫu máu. Bệnh nhân có thể bị xuất huyết, tụ máu nhiều hơn bình thường nếu kỹ thuật viên thực hiện không đúng kỹ thuật hay ngất xỉu do ảnh hưởng từ tâm lý bệnh nhân, nguy hiểm nhất là bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm trùng không cao.
Ý nghĩa của chỉ số HCT trong chẩn đoán
HCT biểu thị khả năng vận chuyển oxy của máu. HCT có thể thay đổi tùy theo các yếu tố quyết định số lượng hồng cầu bao gồm độ tuổi và giới tính của bệnh nhân, điều kiện địa lý nơi mà bệnh nhân sinh sống (độ cao).
Chỉ số HCT đóng vai trò như một chỉ số về tình trạng sức khỏe. Do đó, xét nghiệm HCT thường được thực hiện trong quá trình chẩn đoán nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh, theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị, trước và sau khi phẫu thuật.
Bảng chỉ số HCT bình thường ở một vài đối tượng có tình trạng sức khỏe tốt:
Đối tượng | Chỉ số HCT bình thường (%) |
Trẻ sơ sinh | 55%-68% |
Một năm tuổi | 29%-41% |
Mười năm tuổi | 36%-40% |
Người trưởng thành | Nam giới: 42%- 54%
Nữ giới: 38%- 46% |
Phụ nữ có thai | Giới hạn dưới: 30%- 34%
Giới hạn trên: 46% |
Người sống ở vùng cao | Nam giới: 45%- 61%
Nữ giới: 41%- 56% |
Phụ nữ mang thai có thể tích dịch ngoại bào tăng làm giảm HCT.
Người sống ở vùng cao, lượng oxy trong không khí cung cấp thấp hơn và do đó mức hematocrit có thể tăng lên theo thời gian.
Vận động viên chuyên nghiệp, cường độ tập luyện cao, có mức HCT cao hơn người bình thường.
Chỉ số HCT cao/ thấp hơn mức bình thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có những rối loạn, tổn thương.
Chỉ số HCT cao khi:
- Nồng độ huyết tương trong máu giảm.
- Cơ thể mất nước (do uống ít nước, thời tiết nắng nóng làm mất nước)
- Sốt xuất huyết
- Bệnh đa hồng cầu (một rối loạn tăng sinh tủy trong đó tủy xương sản xuất quá nhiều tế bào hồng cầu)
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các tình trạng phổi khác liên quan đến tình trạng thiếu oxy có thể làm tăng sản xuất hồng cầu.
- Các bệnh lý tim mạch.
Chỉ số HCT thấp khi:
- Thiếu máu do chảy máu (do tai nạn, chấn thương, bệnh lý nhiễm trùng gây loét, hay bệnh về đường tiêu hóa gây xuất huyết, ung thư đại tràng,…).
- Bệnh bẩm sinh, thiếu máu do lượng hồng cầu bị phá hủy nhiều hơn lượng hồng cầu được sản sinh (thiếu máu hồng cầu hình liềm, lách to).
- Bệnh lý làm giảm sản xuất hồng cầu (như suy tủy xương, ung thư). Tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hồng cầu, dẫn đến chỉ số HCT giảm.
- Không đủ nguyên liệu để sản xuất hồng cầu, nguyên nhân đến từ vấn đề dinh dưỡng, không cung cấp đủ sắt, vitamin B12, folate và các yếu tố khác.
- Thừa nước (uống nhiều nước hoặc do thể tích dịch truyền tĩnh mạch lớn).
Làm thế nào khi chỉ số HCT quá cao hoặc quá thấp?
Dựa trên giá trị của HCT, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một vài xét nghiệm khác và các triệu chứng của bệnh nhân (nếu có) để xác định bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Có thể sử dụng thuốc hoặc một vài kỹ thuật để đưa chỉ số HCT trở lại bình thường.
- Bệnh nhân có HCT quá thấp có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời, phải cầm máu ngay nếu bệnh nhân đang chảy máu, có thể truyền máu đường tĩnh mạch hay thuốc để kích thích sự sản xuất hồng cầu, bổ sung sắt bằng thuốc viên hoặc thức ăn chứa sắt.
- Bệnh nhân có HCT cao do bệnh lý, nồng độ hồng cầu trong máu cao, có thể làm giảm bằng cách loại bỏ bớt máu (trích máu). Trường hợp do thiếu nước cần bổ sung nước kịp thời bằng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
Xem thêm: