10 điểm tin nổi bật từ hội nghị tim mạch châu Âu ESC 2018

Cập nhật định nghĩa mới về nhồi máu cơ tim trong các hướng dẫn chung

Hướng dẫn mới của ESC/ACC/AHA/WHF nhằm cập nhật và chuẩn hóa định nghĩa nhồi máu cơ tim (NMCT) đồng thời bổ sung thêm khái niệm “tổn thương cơ tim”.

Tổn thương tim được định nghĩa là có sự gia tăng troponin mà không có các triệu chứng hoặc yếu tố khác của NMCT.

Thuật ngữ NMCT cấp nên được sử dụng khi có tổn thương cơ tim cấp với bằng chứng lâm sàng của thiếu máu cơ tim cục bộ cấp và/hoặc giảm troponin tim với ít nhất một giá trị vượt quá bách phân vị thứ 99 của giới hạn tham chiếu trên kèm theo ít nhất một trong những tiêu chuẩn sau:

  • Có triệu chứng thiếu máu cơ tim cục bộ
  • Có thay đổi trên ECG về thiếu máu cục bộ
  • Xuất hiện sóng Q bệnh lý
  • Có bằng chứng hình ảnh cho thấy vùng cơ tim còn sống vừa mất đi hoặc mới xuất hiện bất thường vận động vùng cấp (regional wall motion abnormality) có liên quan đến nguyên nhân của thiếu máu cục bộ.
  • Chụp mạch vành hoặc khám nghiệm tử thi thấy có huyết khối mạch vành.

Hướng dẫn mới cũng nhấn mạnh xét nghiệm troponin là một yếu tố chính nhưng chưa đủ để chẩn đoán NMCT. Đồng thời, việc bổ sung định nghĩa “tổn thương tim” giúp bác sĩ lâm sàng chẩn đoán phân biệt với NMCT và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

Thygesen K et al. Fourth universal definition of myocardial infarction (2018). Eur Heart J 2018. DOI: 10.1093/eurheartj/ehy462.

Dự phòng huyết khối tĩnh mạch sau xuất viện với rivaroxaban

Nguy cơ huyết khối tĩnh mạch do thuyên tắc (VTE) có thể kéo dài trong nhiều tuần sau khi nhập viện vì bệnh lý cấp tính. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây về điều trị dự phòng kéo dài VTE sau khi xuất viện đã không cho thấy lợi ích của liệu pháp chống đông máu vượt trội hơn các biến chứng chảy máu ở bệnh nhân không phẫu thuật (N Engl J Med 2013; 368:513).

Trong thử nghiệm MARINER, 12.000 bệnh nhân suy tim, bệnh hô hấp, đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc các bệnh viêm nhiễm cấp tính được phân chia ngẫu nhiên dùng rivaroxaban hoặc giả dược trong 45 ngày sau khi xuất viện. Tất cả bệnh nhân đều có các yếu tố nguy cơ VTE khác .

Kết quả

  • Tiêu chí chính (VTE có triệu chứng hoặc gây tử vong) xảy ra với tần suất tương tự ở nhóm rivaroxaban và giả dược (0,83% vs 1,10%; p=0,14).
  • Tỷ lệ chảy máu nghiêm trọng cũng tương tự ở hai nhóm (0,28% vs 0,15%).

Bàn luận

Dự phòng sau khi xuất viện bằng rivaroxaban không làm giảm có ý nghĩa tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch do thuyên tắc có triệu chứng hoặc tử vong.

Tài liệu tham khảo

Spyropoulos AC et al. Rivaroxaban for thromboprophylaxis after hospitalization for medical illness. N Engl J Med 2018 Aug 26; [e-pub].

Sử dụng rivaroxaban ở bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm không kèm rung nhĩ

Liệu pháp chống đông mạn tính ở những bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu giảm (HFrEF) không kèm rung nhĩ (AFib) đã gây tranh cãi từ lâu. Các thử nghiệm lâm sàng không cho thấy lợi ích nào từ việc sử dụng warfarin.

Thử nghiệm COMMANDER HF đánh giá hiệu lực của thuốc chống đông đường uống tác động trực tiếp (DOAC) rivaroxaban liều thấp trên những bệnh nhân HFrEF nhưng không có AFib, có đợt cấp suy tim gần đây kèm bệnh mạch vành.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu bao gồm 5.022 bệnh nhân HFrEF từ ≥3 tháng và nhập viện gần đây vì suy tim mất bù được chia ngẫu nhiên sử dụng rivaroxaban 2,5 mg x 2 lần/ngày hoặc giả dược. Có hơn 90% bệnh nhân ở cả 2 nhóm điều trị suy tim bằng ACEI/ARB, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta.

Kết quả

Sau thời gian điều trị trung vị 21 tháng, không có sự khác biệt có ý nghĩa ở 2 nhóm:

  • Tiêu chí chính: kết cục tử vong gộp do bất kì nguyên nhân nào (nhồi máu cơ tim hay đột quỵ): 25% vs 23%
  • Nguy cơ tử vong hoặc không thể cầm máu: 0,7% vs 0,9%
  • Tuy nhiên nguy cơ chảy máu nghiêm trọng cao hơn có ý nghĩa ở nhóm rivaroxaban (3,3%) so với nhóm giả dược (2,0%).

Bàn luận

Rivaroxaban liều thấp không thể cải thiện kết cục ở những bệnh nhân có đợt cấp trên nền HFrEF mạn có bệnh mạch vành cơ sở nhưng không kèm rung nhĩ. Những kết quả này đối lập kết quả của thử nghiệm COMPASS về kết hợp rivaroxaban với aspirin, thử nghiệm này đã thực hiện trên các bệnh nhân mắc xơ vữa động mạch mạn tính, 21% trong số này có tiền sử suy tim (tuy nhiên suy tim tiến triển là tiêu chuẩn loại trừ).

Tạm kết

Nếu như không có chỉ định rõ ràng như rung nhĩ hoặc có tiền sử biến cố thuyên tắc do huyết khối, không có bằng chứng ủng hộ việc sử dụng các thuốc chống đông mạn tính (warfarin và DOAC) ở bệnh nhân HFrEF.

Tài liệu tham khảo

Zannad F et al. Rivaroxaban in patients with heart failure, sinus rhythm, and coronary disease. N Engl J Med 2018 Aug 27; [e-pub].

Liệu pháp kháng kết tập tiểu cầu kép với ticagrelor trong thời gian ngắn không cải thiện kết cục

Liệu pháp kháng kết tập tiểu cầu kép (DAPT) giúp giảm các biến chứng thiếu máu cục bộ sau khi can thiệp mạch vành qua da (PCI) bằng stent phủ thuốc. Mặc dù thời gian sử dụng DAPT tối ưu vẫn còn tranh cãi, các hướng dẫn trên thế giới gần đây khuyến cáo sử dụng DAPT từ 6-12 tháng (sau đó đơn trị liệu với aspirin) sau PCI đối với bệnh động mạch vành ổn định (CAD) – và tối thiểu 12 tháng sau PCI với hội chứng mạch vành cấp (ACS). Dù thời gian sử dụng DAPT dài hơn giúp hạn chế hơn các biến cố thiếu máu cục bộ, nguy cơ chảy máu cao hơn. Một số bác sĩ tim mạch cho rằng việc loại bỏ aspirin có thể vẫn đạt được lợi ích trên tim mạch nhưng nguy cơ chảy máu thấp hơn, giúp tối ưu hóa kết cục của bệnh nhân.

Trong thử nghiệm GLOBAL LEADER (nghiên cứu nhãn mở, tài trợ bởi công ty dược) gồm 15.968 bệnh nhân (CAD hoặc ACS) đều được PCI với stent phủ thuốc (stent polymer phân hủy sinh học BA9) được ngẫu nhiên hóa vào 2 nhóm:

  • Nhóm thử nghiệm với aspirin + ticagrelor trong 1 tháng, sau đó đơn trị liệu với ticagrelor trong 23 tháng.
  • Nhóm điều trị chuẩn: 12 tháng dùng DAPT (clopidogrel với CAD ổn định, ticagrelor với ACS), sau đó đơn trị liệu với với aspirin trong 12 tháng.

Kết quả

Sau 24 tháng, sự khác biệt không có ý nghĩa giữa 2 nhóm:

  • Tiêu chí chính (tử vong hoặc nhồi máu cơ tim có sóng Q) giữa nhóm thử nghiệm và nhóm điều trị chuẩn (3,8% vs 4,3%; RR=0,87; p=0,073).
  • Tỷ lệ huyết khối trong stent đã xác định: 0,8% ở cả 2 nhóm
  • Tỷ lệ chảy máu nghiêm trọng giữa giữa nhóm thử nghiệm và nhóm điều trị chuẩn (2,04% vs 2,12%; p=0,77)

Bàn luận

Thử nghiệm đã thất bại trong việc chứng minh hiệu quả của việc loại bỏ aspirin nhằm giảm biến chứng thiếu máu cục bộ và chảy máu nghiêm trọng sau PCI dùng stent phủ thuốc. Mặc dù tỷ lệ các biến cố tương tự ở 2 nhóm, nhóm thử nghiệm cần dùng ticagrelor liều 2 lần/ngày và có chi phí cao hơn nhóm điều trị chuẩn, DAPT trong 6-12 tháng sau đó đơn trị với aspirin vẫn là điều trị chuẩn sau PCI bằng stent phủ thuốc trong tương lai gần.

Tài liệu tham khảo

Vranckx P et al. Ticagrelor plus aspirin for 1 month, followed by ticagrelor monotherapy for 23 months vs aspirin plus clopidogrel or ticagrelor for 12 months, followed by aspirin monotherapy for 12 months after implantation of a drug-eluting stent: A multicentre, open-label, randomised superiority trial. Lancet 2018; Epub ahead of print.

Aspirin không có lợi trong phòng ngừa nguyên phát ở bệnh nhân có nguy cơ tim mạch không đái tháo đường

Hiệu quả của aspirin trong phòng ngừa nguyên phát các biến cố tim mạch hiện tại vẫn chưa chắc chắn. Trong thử nghiệm ARRIVE gồm 12.546 bệnh nhân (nam ≥55 tuổi, nữ ≥60 tuổi) không có tiền sử mắc các bệnh tim mạch (được cho rằng nguy cơ tim mạch trung bình) được ngẫu nhiên hóa sử dụng aspirin 100 mg hoặc giả dược hàng ngày.

  • Bệnh nhân có 2-4 yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm: rối loạn lipid máu, đang hút thuốc, tăng huyết áp, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.
  • Bệnh nhân ĐTĐ, tiền sử loét dạ dày-tá tràng hoặc chảy máu đường tiêu hóa được loại trừ.
  • Tại thời điểm ban đầu, có 75% bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp và 43% bệnh nhân sử dụng statin.

Bệnh nhân được theo dõi trong thời gian trung vị 5 năm với tiêu chí chính bao gồm: tử vong liên quan đến tim mạch, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, đột quỵ hoặc thiếu máu não cục bộ thoáng qua).

Kết quả

  • Tiêu chí chính: tương tự ở 2 nhóm asprin và giả dược (4,3% và 4,5%; p=0,6) (khác biệt không có ý nghĩa về thời điểm xảy ra biến cố đầu tiên và từng tiêu chí riêng lẻ).
  • Phân tích dưới nhóm (theo giới tính, tuổi, tình trạng hút thuốc lá, chỉ số BMI hoặc nguy cơ ước tính trong 10 năm) cũng không cho thấy lợi ích quả aspirin một cách rõ ràng.
  • Tỷ lệ chảy máu đường tiêu hóa cao hơn ở nhóm sử dụng aspirin so với nhóm giả dược (1,0% vs 0,5%; p=0,0007), tuy nhiên chỉ một vài biến cố chảy máu ở mỗi nhóm là nghiêm trọng.

Bàn luận

Sử dụng aspirin không tăng thêm lợi ích trên nhóm bệnh nhân nguy cơ trung bình, không mắc ĐTĐ (trong đó một vài bệnh nhân đang điều trị tăng huyết áp và rối loạn lipid máu), kết quả tương tự như nghiên cứu năm 2014 tại Nhật Bản (JAMA 2014; 312:2510-2520).

Tuy nhiên, trong một phân tích tổng hợp gần đây chỉ ra aspirin liều thấp (100 mg) chỉ hiệu quả trên bệnh nhân không béo phì (Lancet 2018; 392:387), nhưng nghiên cứu này lại cho thấy lợi ích đem lại không có ý nghĩa ở bệnh nhân có BMI <25kg/m2.

Quyết định sử dụng aspirin vẫn cần sự cân nhắc và thảo luận kĩ lưỡng giữa bác sĩ và bệnh nhân về lợi ích trên tim mạch và nguy cơ chảy máu, mong muốn bệnh nhân và giá thành.

Tài liệu tham khảo

Gaziano JM et al. Use of aspirin to reduce risk of initial vascular events in patients at moderate risk of cardiovascular disease (ARRIVE): A randomised, double-blind, placebo-controlled trial. Lancet 2018 Aug 26: [e-pub ahead of print].

Vai trò aspirin trong phòng ngừa nguyên phát bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường

Hiện chưa rõ lợi ích của aspirin trong phòng ngừa nguyên phát bệnh tim mạch ở những bệnh nhân ĐTĐ. Aspirin có thể làm giảm nguy cơ tim mạch do ĐTĐ, tuy nhiên có ý kiến cho rằng ĐTĐ có thể làm giảm tác động chống kết tập tiểu cầu của aspirin.

Thử nghiệm ASCEND phân chia ngẫu nhiên 15.480 bệnh nhân ĐTĐ chưa rõ về bệnh tim mạch sử dụng aspirin 100 mg/ngày hoặc giả dược.

Tiêu chí chính về hiệu quả là biến cố mạch máu nghiêm trọng mắc phải đầu tiên (nhồi máu cơ tim không tử vong hoặc đột quỵ, cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc tử vong vì bất kỳ nguyên nhân từ mạch máu). Tiêu chí an toàn chính là biến cố chảy máu nghiêm trọng gặp phải đầu tiên.

Kết quả

  • Trong thời gian theo dõi trung vị 7,4 năm, biến cố mạch máu nghiêm trọng thấp hơn có ý nghĩa ở nhóm aspirin so với nhóm giả dược (8,5% vs 9,6%, RR 0,88, p=0,01), nhưng tỷ lệ xảy ra chảy máu nghiêm trọng cao hơn có ý nghĩa (4,1% vs 3,2%, RR 1,29, p=0,003). Hầu hết các biến cố chảy máu xảy ra ở đường tiêu hóa.
  • Sự khác biệt về hiệu lực chủ yếu thể hiện trong 5 năm đầu tiên. Những phát hiện này nhất quán giữa các nhóm nhỏ.
  • Không có lợi ích đáng kể nào của aspirin đối với tử vong do tất cả các nguyên nhân từ mạch máu và không có liên quan gì đến ung thư.

Bàn luận

Thử nghiệm ASCEND cho thấy lợi ích và tác hại của aspirin trong phòng ngừa nguyên phát ở những bệnh nhân ĐTĐ: cứ 100 người được điều trị bằng aspirin thì ngăn ngừa được 1 biến cố mạch máu và gây ra 1 biến cố chảy máu nghiêm trọng.

Các bệnh nhân trong thử nghiệm đã được kiểm soát tốt đối với ĐTĐ và nguy cơ tim mạch (được điều trị với statin và thuốc điều trị tăng huyết áp), do đó sử dụng aspirin ở những bệnh nhân này không mang lại thêm lợi ích.

Quyết định về việc sử dụng aspirin cần phải được cá thể hóa, xem xét kết cục và nguy cơ tuyệt đối ở từng bệnh nhân bằng các công cụ ước tính nguy cơ thường quy.

Tài liệu tham khảo

The ASCEND Study Collaborative Group. Effects of aspirin for primary prevention in persons with diabetes mellitus. N Engl J Med. 2018 Aug 26; [e-pub].

Vai trò omega-3 trong phòng ngừa bệnh tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường

Thử nghiệm ASCEND đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng omega-3 hàng ngày để phòng ngừa bệnh tim mạch trên 15.480 bệnh nhân ĐTĐ không mắc bệnh tim mạch trong khoảng thời gian trung bình là 7,4 năm.

Bệnh nhân được phân chia ngẫu nhiên sử dụng viên nang 1 g chứa acid béo omega-3 hoặc giả dược (dầu olive). Tiêu chí chính là biến cố tim mạch nghiêm trọng đầu tiên gặp phải như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc tử vong do bất kì nguyên nhân của mạch máu.

Kết quả

  • Không có lợi ích đáng kể nào khi bổ sung acid béo omega-3 (8,9% ở nhóm dùng omega-3 vs 9,2% ở nhóm dùng giả dược) và cũng không có bằng chứng cho thấy sẽ xuất hiện lợi ích nào nếu theo dõi lâu hơn.
  • Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong và ung thư giữa 2 nhóm.
  • Không có biến cố có hại nghiêm trọng nào dẫn đến ngưng thuốc.

Bàn luận

  • Thử nghiệm này không cho thấy bất kỳ lợi ích trên tim mạch nào khi sử dụng omega-3, phù hợp với phân tích tổng hợp gần đây trên 78.000 bệnh nhân trong 10 thử nghiệm khác (JAMA Cardiol 2018; 3:225).
  • Tuy sử dụng omega-3 có thể làm giảm nồng độ triglyceride trong máu, nhưng những bằng chứng cho thấy omega-3 không thể là biện pháp phòng ngừa nguyên phát cho những biến cố trên mạch máu.

Tài liệu tham khảo

The ASCEND Study Collaborative Group. Effects of n−3 fatty acid supplements in diabetes mellitus. N Engl J Med 2018 Aug 26; [e-pub].

Xem thêm bài viết:Omega-3 và dầu cá

Febuxostat có thể bảo vệ thận ở bệnh nhân tăng acid uric máu nhưng lợi ích trên tim mạch chưa rõ

Nghiên cứu FREED xem xét liệu sử dụng febuxostat để giảm acid uric có ngăn ngừa các biến cố ở não, biến cố tim mạch, trên thận và tử vong ở những bệnh nhân lớn tuổi có tăng acid uric máu hay không.

Có 1.070 bệnh nhân ≥65 tuổi tăng acid uric máu (acid uric huyết thanh 7-9 mg/dL) và có nguy cơ mắc các biến cố ở não, tim mạch hoặc thận tham gia vào nghiên cứu. Những bệnh nhân này được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm:

  • Nhóm febuxostat: bệnh nhân dùng febuxostat với liều tăng dần từ 10 mg đến 40 mg/ngày nếu dung nạp được.
  • Nhóm chứng: bệnh nhân được cân nhắc sử dụng allopurinol 100 mg nếu có acid uric huyết thanh tăng.

Trong cả 2 nhóm, liều febuxostat hoặc allopurinol được điều chỉnh để tránh mức acid uric huyết thanh <2 mg/dL. Tất cả bệnh nhân được khuyên áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá và tập thể dục để giúp kiểm soát tình trạng tăng acid uric máu.

Bệnh nhân được theo dõi trong 36 tháng với tiêu chí nghiên cứu chính là tiêu chí gộp gồm các biến cố ở não, tim mạch, thận và tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào.

Kết quả:

Nghiên cứu cho thấy nồng độ acid uric huyết thanh trung bình thấp hơn ở nhóm febuxostat (4,4 vs 6,7 mg/dL)

  • Febuxostat làm giảm đáng kể tỷ lệ xảy ra tiêu chí chính so với nhóm chứng (23% vs 29%; HR 0,75; 95% CI 0,59-0,95; p=0,017)

Tuy nhiên, không có sự khác biệt về tiêu chí thành phần trên bệnh tim mạch (tử vong, bệnh mạch máu não, bệnh động mạch vành không tử vong) giữa nhóm febuxostat và nhóm chứng (4,3% vs 4,9%, HR 0,86; 95% CI 0,49-1,51, p=0,6).

Không có sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai nhóm về tần số xảy ra biến cố có hại (24,6% vs 25,3%; p=0,83).

Bàn luận:

Febuxostat có thể bảo vệ thận tốt hơn so với điều trị chuẩn. Tuy nhiên, đối với tác động bảo vệ trên tim mạch, do có ít biến cố không liên quan đến thận nên vẫn chưa kết luận được hiệu quả bảo vệ tim mạch của febuxostat.

Tài liệu tham khảo:

Kojima S, Matsui K, Ogawa H, et al. Rationale, design, and baseline characteristics of a study to evaluate the effect of febuxostat in preventing cerebral, cardiovascular, and renal events in patients with hyperuricemia. J Cardiol. 2017;69:169–175. doi: 10.1016/j.jjcc.2016.02.015.

Thuốc giảm cân lorcaserin không làm tăng biến cố tim mạch tổng thể

Lorcaserin là một chất chủ vận chọn lọc trên thụ thể serotonin 2C giúp điều chỉnh độ thèm ăn đã được chứng minh hỗ trợ giảm cân vừa phải trong thời gian dài. Hầu hết những thuốc giảm cân khác có cùng cơ chế tác động (ví dụ: fenfluramin) đều gây ra các tác động có hại nghiêm trọng trên tim mạch như tăng áp phổi, các bất thường van tim, do đó cần phải chứng minh tính an toàn trên tim mạch của lorcaserin.

Thử nghiệm CAMELLIA-TIMI 61 (được nhà sản xuất tài trợ) gồm 12.000 bệnh nhân thừa cân/béo phì mắc bệnh tim mạch do xơ vữa hoặc có các nhiều nguy cơ tim mạch được ngẫu nhiên hóa sử dụng lorcaserin (10 mg x 2 lần/ngày) hoặc giả dược.

Bệnh nhân được đánh giá với tiêu chí an toàn chính (tiêu chí gộp gồm tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) và tiêu chí hiệu lực chính (tiêu chí gộp gồm tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, cần tái tưới máu vành, cần nhập viện do đau thắt ngực không ổn định).

Kết quả

Bệnh nhân được theo dõi trong thời gian trung vị 3,3 năm:

  • Tiêu chí an toàn chính: không có sự khác biệt giữa nhóm locaserin và giả dược (tỷ lệ hàng năm 2,0% vs 2,1%; HR=0,99; 95% CI 0,85-1,14).
  • Tiêu chí hiệu lực chính: không có sự khác biệt giữa nhóm locaserin và giả dược (tỷ lệ hàng năm 4,1% vs 4,2%; HR=0,97; 95% CI 0,87-1,07).

Một nghiên cứu phụ gồm 3.270 bệnh nhân được siêu âm tim thời điểm ban đầu và sau 1 năm.

  • Tỷ lệ mắc bệnh van tim là 1,8% ở nhóm lorcaserin và 1,3% ở nhóm giả dược, tuy nhiên khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ bệnh van tim ở nhóm lorcaserin tăng lên do số ca suy động mạch chủ mức độ nhẹ nhiều hơn.
  • Sau 1 năm, tỷ lệ tăng áp phổi mới hoặc trở nặng là 1,6% ở nhóm lorcaserin và 1% ở nhóm giả dược, nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Bàn luận

Thử nghiệm trên cho thấy lorcaserin không làm tăng các biến cố tim mạch tổng thể. Tuy nhiên, nghiên cứu phụ với siêu âm tim cho thấy tỷ lệ mắc bệnh van tim và tăng áp lực động mạch phổi có xu hướng tăng lên, cần một nghiên cứu lâu dài hơn để đảm bảo tính an toàn của thuốc này.

Tài liệu tham khảo

Bohula EA et al. Cardiovascular safety of lorcaserin in overweight or obese patients. N Engl J Med2018 Aug 26; [e-pub].

Các nghiên cứu mới ủng hộ chế độ ăn cân đối gồm các sản phẩm từ sữa và thịt đỏ

Các chế độ ăn được khuyến cáo nhằm phòng tránh bệnh tim mạch chủ yếu dựa vào các nghiên cứu được thực hiện nhiều năm trước ở các nước phát triển. Nhưng có rất ít thông tin về chế độ ăn hiện nay trên toàn cầu.

5 nghiên cứu quan sát được thực hiện trên hơn 218.000 đối tượng từ hơn 50 quốc gia ở 5 châu lục (PURE, ONTARGET, TRANSCEND, INTERHEART và INTERSTROKE)

Điểm chất lượng dinh dưỡng được đưa ra dựa trên các loại thực phẩm liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn trong các nghiên cứu trước đây (trái cây, rau củ, hạt, họ đậu, cá, chế phẩm từ sữa và thịt). Bệnh nhân được chia thành 5 nhóm dựa trên chất lượng bữa ăn, sau đó so sánh nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong ở nhóm đối tượng có chế độ dinh dưỡng chất lượng cao nhất (≥18) và thấp nhất (≤11).

Kết quả

Nghiên cứu PURE theo dõi trong 9,1 năm trung vị trên bệnh nhân không mắc các bệnh tim mạch cho thấy:

  • Có 6.821 ca tử vong và 5.466 biến cố tim mạch nghiêm trọng (tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ, suy tim).
  • Sau khi hiệu chỉnh các yếu tố có thể ảnh hưởng, nhóm có chất lượng chế độ dinh dưỡng cao nhất liên quan đến nguy cơ thấp hơn có ý nghĩa các tiêu chí sau:
    • Biến cố tim mạch nghiêm trọng (HR 0,89; 95% CI 0,8-1,00; p=0,0193),
    • Đột quỵ (HR 0,83; 95% CI 0,71–0,97; p=0,0402)
    • Tử vong do tim mạch (HR 0,71; 95% CI 0,59–0,85; p<0,0001), tử vong không do tim mạch (HR 0,74; 95% CI 0,66–0,84; p<0,0001) và tỷ lệ tử vong tổng thể (HR 0,75; 95% CI 0,68–0,83; p<0,0001).

Các nghiên cứu còn lại cũng cho kết quả tương tự. Nhóm có chất lượng chế độ dinh dưỡng cao nhất liên quan đến nguy cơ bệnh tim mạch thấp hơn có ý nghĩa: biến cố tim mạch nghiêm trọng, tử vong do tim mạch, tử vong không do tim mạch và tổng tỷ lệ tử vong (nghiên cứu ONTARGET và TRANSCEND); nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ (nghiên cứu INTERHEART và INTERSTRPOKE)

Bàn luận

Điểm khác biệt giữa của các kết quả từ PURE so với các hướng dẫn hiện hành là bao gồm các chế phẩm từ sữa và thịt chưa qua chế biến. Tuy nhiên, các kết quả của nghiên cứu không khuyến khích sử dụng quá mức các thực phẩm trên.

Dựa trên các kết quả trên, các nhà nghiên cứu đề nghị chế độ ăn cân đối bao gồm nhiều trái cây, rau củ, các chế phẩm từ sữa trong đó có thịt đỏ, một lượng vừa phải chất béo và tinh bột. Điều này hoàn toàn phù hợp với khuyến cáo của Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA).

Tài liệu tham khảo

Mente A et al. Association of dietary quality and risk of cardiovascular disease and mortality in 218,000 people from over 50 countries. Presented at: ESC Congress 2018.

Kim Chi Nguyễn Thị

Lời nói đầu, Thân gửi các bạn độc giả của bs Chi. Mình muốn tâm sự một chút suy tư của một bác sĩ nghèo nhưng lại mang trong mình một nỗi lòng đau đáu của một người mẹ, một người phụ nữ lương thiện, muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Cách đây hơn 3 năm, trước khi đại dịch covid xảy ra. Mình có lập 1 trang fb với tên Dr. Nguyễn Thị Kim Chi. Trang chuyên dịch những bài viết hay về thông tin y học trên Medscape, một tờ báo uy tín. Những bài viết là những tiến bộ khoa học nhân loại được chuyển thể từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Với mục đích đem thông tin y học mới nhất, đem những thành tựu y học tiên tiến nhất tiếp cận với những bệnh nhân, người mà cũng đang khao khát tìm đến những hy vọng tiến bộ y học trên con đường chạy chữa bệnh của bản thân, người thân, gia đình mình. Với mục đích đó, mình thực hiện cũng được hơn 3 năm. Trộm vía, được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn đọc, may mắn công việc đó cũng vẫn trôi chảy. Với việc đem thông tin y học chuyển tải qua tiếng Việt, mình cũng được rất nhiều bạn đọc tìm hiểu, đặt những câu hỏi về tình trạng bệnh, cách chữa trị của người thân, con cái, hay những phương pháp tiên tiến nhất. Cảm ơn tình cảm của bạn đọc đã ủng hộ bs cũng như trang fb Dr.Nguyễn Thị Kim Chi. Nay trang fb được đổi tên thành Fb Nguyễn Thị Kim Chi. Xuất phát từ việc khao khát muốn làm thiện nguyện, mình đã mạnh dạnh lập nên trang fb này. Với mục đích kêu gọi từ thiện từ những bạn đọc gần xa. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Trao đi là còn mãi! Mình mong muốn làm từ thiện thì từ rất lâu rùi. Mình cũng đi tìm hiểu rất nhiều hội nhóm với mong muốn có thể hành động, hoặc làm bất kì những việc gì đó, dù là nhỏ nhất có thể giúp đỡ được người khó khăn hơn mình. Chính vì khao khát mong muốn trao đi những tình cảm tốt đẹp, vượt qua cái ngại ngần của bản thân, và ước mơ thiện nguyện thành sự thật nên mình, bs Chi lập trang fb Thiện nguyện - Charity. Trang này sẽ là lưu giữ những thông tin vs những tấm lòng thiện nguyện của bạn đọc trang bs Chi. Hãy chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Dù là nhỏ nhất cũng rất đáng trân trọng. Mình xin đóng góp quỹ của trang Thiện nguyện - Charity trước 1000k. Số tiền này tuy nhỏ, nhưng mong muốn trang sẽ giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn. Bạn đừng ngần ngại trao đi, dù là 20k hay 50k. Nếu bạn thấy thoả đáng thì điều đó đã là thiện nguyện rùi. Hãy để mình giúp bạn 1 phần nhỏ trên con đường thiện nguyện, để chúng ta có chung bạn thiện thành. Nếu bạn đọc bài, thấy bài hay xin like vs chia sẻ miễn phí. Nếu bạn muốn làm từ thiện, hãy chuyển tấm lòng của bạn tới số tài khoản của bs Chi. Mình sẽ giúp bạn gửi tới những người có hoàn cảnh khó khăn vs tấm lòng chân thành nhất. Tài khoản mang tên Nguyễn Thị Kim Chi Số tài khoản: 26702461 Ngân hàng: Vp bank (Vì Việt Nam thịnh vượng) Chuyển khoản ghi: TC tên người chuyển khoản Số tiền được cộng vào đủ từ 1000k-5000k sẽ được trao đến các địa chỉ công khai. Đến đây mình, bs Chi xin cảm ơn bạn đọc đã đồng hành cùng mình trong thời gian qua vs trong thời gian tới. Chúc các bạn đọc sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt.