Đặt vấn đề
Trong vòng 30 năm qua, tỷ lệ mắc sỏi thận đã tăng lên đến 70% song song với đó là việc sử dụng kháng sinh ngày càng phổ biến. Mới đây các nhà khoa học tại Philadenphia đã lần đầu tiên tiến hành một nghiên cứu để phần nào làm sáng tỏ mối quan hệ này.
Nghiên cứu
Thông qua việc sử dụng các dữ liệu sức khỏe tại Anh, các nhà nghiên cứu đã tiến hành ghép cặp 26,000 đối tượng ở nhóm mắc sỏi thận với 260,000 đối tượng ở nhóm chứng và theo dõi việc dùng kháng sinh của họ trong 3 đến 12 tháng trước khi chẩn đoán (hoặc tiến hành ghép cặp theo số ngày sử dụng).
Kết quả
Sau khi điều chỉnh với các yếu tố gây nhiễu, trong 12 nhóm kháng sinh sử dụng có 5 nhóm cho thấy có liên quan đến nguy cơ mắc sỏi thận cao hơn so với việc không sử dụng (p< 0,001):
- Sulfa: OR = 2,33 (95%CI: 2,19 – 2,48)
- Cephalosporin: OR = 1,88 (95%CI: 1,75 – 2,01)
- Fluoroquinolone: OR = 1,67 (95%CI: 1,54 – 1,81)
- Nitrofurantoin/methenamine: OR = 1,70 (95% CI: 1,55 – 1,88)
- Penicillin phổ rộng: OR = 1,27 (95%CI: 1,18 – 1,36)
Trong đó trẻ em có nguy cơ mắc sỏi thận cao nhất và nguy cơ này vẫn có ý nghĩa thống kê trong 3 đến 5 năm kể từ khi sử dụng (trừ nhóm penicillin phổ rộng).
Tạm kết
Các tác giả suy đoán rằng một kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột thì cũng có thể làm thay đổi quá trình chuyển hóa của chất dinh dưỡng đa lượng, vì thế dẫn đến sỏi thận. Họ cũng lưu ý rằng chưa thể loại trừ khả năng kết tinh trực tiếp của kháng sinh trong thận để tạo thành sỏi.