Biên tập: Nguyễn Tô Huỳnh Châu – SV Dược năm 4 – ĐH Hutech.
Ung thư đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo thống kê của Globocan, trong năm 2020, toàn thế giới có hơn 19 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca tử vong do ung thư. Theo các nhà nghiên cứu ung thư học, bên cạnh những đột biến gen hoặc di truyền thì dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35% trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Mối liên quan giữa dinh dưỡng và ung thư được thể hiện ở sự có mặt của các chất gây ung thư có trong các thực phẩm, thức ăn, đồ uống. Đồng thời sự mất cân đối trong khẩu phần ăn cũng là một nguyên nhân sinh bệnh ung thư.
Xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ thì con người càng phải đối đầu nhiều hơn với những hiểm họa hóa chất được sử dụng trong thực phẩm, đặc biệt là trong thực phẩm chế biến công nghiệp. Theo một nhóm nghiên cứu quốc tế, phụ gia thực phẩm nitrat/nitrit, chất làm ngọt nhân tạo và các axit béo chuyển hóa (chất béo trans) trong thực phẩm chế biến được phát hiện có tiềm ẩn lớn liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư. [1][2]
PHỤ GIA THỰC PHẨM – NITRAT và NITRIT [2][3]
Nitrat và nitrit là những chất được thêm vào thực phẩm để làm chất bảo quản. Chúng có chức năng ổn định màu, được dùng trong phomat, các loại thịt, nước giải khát, thủy sản… Đồng thời ngăn chặn sự phát triển của một số loại vi khuẩn gây ngộ độc trong thực phẩm. Sử dụng các hóa chất này với hàm lượng cao trong các loại thực phẩm chế biến sẵn là một trong những yếu tố gây ung thư dạ dày. Những hợp chất phụ gia này còn tổn thương đến niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng sự xâm nhập của vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là vi khuẩn Hp gây bệnh viêm loét dạ dày – chúng sinh sống và phát triển trong dạ dày người, khi lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày tổn thương là cơ hội để chúng tấn công).
Thông qua các bản ghi nhận sử dụng thức ăn trong 24 giờ của những đối tượng nghiên cứu, một nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát giữa việc tiêu thụ thực phẩm chứa nitrit/nitrat đối với nguy cơ ung thư. Kết quả cho thấy có 966 ca ung thư vú và 400 ca ung thư tuyến tiền liệt trong số 3.311 ca ung thư đầu tiên. Nguy cơ ung thư vú tăng cao ở những người tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều nitrat, đặc biệt là muối kali nitrat. Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng cao có liên quan đến tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nitrit, đặc biệt đối với muối natri nitrit.
Một số thực phẩm có thể chứa nhiều chất phụ gia cần hạn chế sử dụng bao gồm: thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng, hot dog,…
CHẤT LÀM NGỌT NHÂN TẠO [3][4]
Chất tạo ngọt tổng hợp (hay còn gọi là chất tạo ngọt nhân tạo, đường hóa học) là những chất không có trong tự nhiên, chủ yếu được tổng hợp từ các chất hữu cơ, vô cơ trong nhà máy. Chúng thường có vị ngọt rất cao so với đường tự nhiên, không chuyển hóa được và thường có mục đích sử dụng tạo vị ngọt cho những người bệnh thừa cân hay đái tháo đường.
Các chất tạo ngọt tổng hợp này hầu như không có giá trị dinh dưỡng. Nếu sử dụng thường xuyên có thể gây suy giảm chức năng tiêu hóa, kích thích niêm mạc đường ruột, gây khó khăn cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng, thậm chí có thể ảnh hưởng tới chức năng thận, từ đó có nguy cơ gây mắc ung thư.
Kết quả một nghiên cứu được tiến hành trên 102.046 người cho thấy nguy cơ ung thư ở những người tiêu thụ đường tổng hợp là 2.527 trường hợp, đặc biệt là đối với các chất aspartame và acesulfame-K. Nguy cơ ung thư vú là 723 trường hợp, ung thư liên quan đến béo phì là 1.509 trường hợp.
CHẤT BÉO CHUYỂN HÓA [3][5]
Chất béo chuyển hóa (chất béo trans) là loại chất béo có hại được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn. Nếu thường xuyên sử dụng loại chất béo này thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường tuýp 2 và ung thư,…Chất béo trans có nhiều trong các loại thực phẩm gồm: bánh ngọt, bánh nướng, thức ăn nhanh (khoai tây chiên, gà rán…), snack, mì ăn liền…
Kết quả một nghiên cứu với tổng số 3.374 trường hợp mắc ung thư cho thấy có 982 ca ung thư vú và 405 ca ung thư tuyến tiền liệt liên quan đến chế độ ăn uống quá nhiều lượng chất béo trans. Hơn nữa, những loại ung thư này có liên quan đến tăng nguy cơ các loại ung thư khác.
KẾT LUẬN
Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, các loại ung thư phổ biến nhất có thể tránh được bằng cách thay đổi lối sống và thói quen ăn uống. Vì vậy, một chế độ ăn cân bằng, hạn chế ăn những thực phẩm chế biến chứa những chất phụ gia gây hại được coi là một trong những việc làm quan trọng để có thể phòng ngừa ban đầu bệnh ung thư. Ngoài ra, cần duy trì kết hợp với lối sống lành mạnh như tập thể dục thể thao, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá…
Tài liệu tham khảo
[1] Hyuna Sung PhD, et al. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries. First published: 04 February 2021.
[2] B Srour. Consumption of ultra-processed foods and cancer risk: results from NutriNet-Santé prospective cohort. Published 14 February 2018. Cite this as: BMJ 2018;360:k322
[3] Walter Alexander. Cancer risk tied to some manufactured foods. December 16, 2021.
[4] Vinmec. Chất tạo ngọt tổng hợp liệu có an toàn cho sức khỏe?
[5] Vinmec. Vì sao chất béo chuyển hóa lại có hại?