Bệnh Parkinson là gì?
Parkinson là một bệnh lý mạn tính liên quan đến thần kinh, bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi (độ tuổi khởi bệnh trong khoảng từ 58 đến 60 tuổi). Bệnh thường xảy ra khi bị thoái hóa các nhóm tế bào trong não, người bệnh không thể kiểm soát các hoạt động của cơ bắp ảnh hưởng đến khả năng đi lại, khó khăn trong cử động, chân tay bị run.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson do các nguyên nhân mắc bệnh lý như thoái hóa thần kinh, nhiễm độc (do ngộ độc thuốc an thần kinh,…), do nhiễm khuẩn khi bị viêm não, do tổn thương mạch máu (trong bệnh lý đái tháo đường, đột quỵ, tăng huyết áp, vữa xơ mạch não),… Những triệu chứng gặp trong các trường hợp này giống với biểu hiện của Parkinson và được gọi là hội chứng Parkinson.
Bệnh Parkinson gây nên những ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh. Bệnh Parkinson cần được điều trị liên tục và suốt đời, chính vì vậy bạn nên tìm hiểu kỹ các thông tin về bệnh nhằm giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt và có thể sống chung với bệnh trong nhiều năm.
Dấu hiệu của bệnh Parkinson
Người bệnh Parkinson có một số dấu hiệu để phát hiện như sau:
- Phối hợp hoạt động chậm chạp: đây là dấu hiệu điển hình và rõ nét nhất ở người bệnh Parkinson khi bệnh khởi phát ở giai đoạn đầu. Các hoạt động như buộc dây giày, quay người, cài khuy, quay đầu,.. được người bệnh thực hiện không rõ ràng, tốc độ thực hiện chậm.
- Tính cách thay đổi: suy nghĩ, cách nhìn nhận, hành động, phản ứng với tình huống đều chịu sự điều khiển của não bộ, chính vì vậy bất kỳ sự thay đổi nào trong tính cách đều có thể là dấu hiệu của bệnh Parkinson.
- Chức năng khứu giác giảm: trong giai đoạn đầu của bệnh Parkinson, khứu giác người bệnh bị ảnh hưởng, người bệnh có thể không phân biệt được mùi của thực phẩm, biểu hiện này cần được chữa kịp thời không sẽ càng ngày càng nặng thêm.
- Đau vai: người bệnh đau vai kéo dài không có dấu hiệu giảm cả khi có sự can thiệp y tế cũng chính là một dấu hiệu của bệnh Parkinson.
- Đường ruột gặp vấn đề: người bệnh xuất hiện các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, dấu hiệu này thường xuất hiện ở người cao tuổi.
- Mệt mỏi: người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và có kèm một số dấu hiệu sớm của bệnh như trên sẽ là nguy cơ cao mắc bệnh Parkinson.
- Thay đổi một số thói quen sinh hoạt hằng ngày như: giọng nói, chữ viết, tính khí thất thường.
Nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson
Nguyên nhân của bệnh Parkinson là do thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh khi các tế bào não có chức năng sản sinh chất dẫn truyền thần kinh dần thoái hóa và chết đi. Tuy nhiên chưa có bất kỳ lý giải khoa học nào về nguyên nhân tại sao các nhóm tế bào sinh sản chất dẫn truyền thần kinh lại bị thoái hóa và chết dần.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh xuất hiện được đưa ra như sau: do yếu tố môi trường, do di truyền, do tuổi tác, ngoài ra cũng có thể do virus gây nên, tiếp xúc với độc tố.
Những triệu chứng của bệnh Parkinson
Các triệu chứng của bệnh biểu hiện trong giai đoạn đầu mà người bệnh có thể gặp phải như đau cơ; mệt mỏi; vụng về trong việc thực hiện một số động tác đơn giản như đi giày, đi tất, tra chìa khóa,…; táo bón; đi kéo lê một chân; rối loạn chữ viết; giảm hoạt động của một tay khi vận động; trầm cảm; bong vảy ra ở gối, mặt; đôi khi cũng xuất hiện triệu chứng run khi nghỉ không liên tục.
Khi bệnh phát triển, các triệu chứng điển hình biểu hiện ra ngoài gồm:
- Cứng đơ: các nhóm cơ của chân tay bị co lại, khi sờ vào các cơ thấy cứng, chắc dẫn đến gặp khó khăn trong hoạt động đi lại. Đây chính là một trong các triệu chứng quan trọng của bệnh.
- Run: được thể hiện rõ nhất ở các đầu chi, lưỡi, môi. Thường biểu hiện sẽ khu trú tại một bên của cơ thể ở những năm đầu, khi vận động tình trạng run có thể tạm mất rồi lại tái diễn lại sau đó. Tình trạng run có thể tăng lên khi xúc động, khi ngủ người bệnh không có biểu hiện run.
- Giảm vận động: các động tác tự nhiên của chân tay, nét mặt bị mất, đặc biệt khi cử động. Nhìn như người mang mặt lạ, không có các biểu lộ tình cảm, ít chớp mắt.
- Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: đứng ngồi không yên, xuất hiện loạn cảm đau, tăng tiết, nóng bức, phù, rối loạn cương, tím tái ngọn chi, trầm cảm lo âu, hạ huyết áp tư thế, hoang tưởng, một số xuất hiện ảo thị, trí tuệ cón tốt, ở giai đoạn nặng người bệnh còn có thể bị sa sút trí tuệ.
Các giai đoạn chính của bệnh Parkinson bao gồm:
- Giai đoạn 1: bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu ở một bên của cơ thể, khi này người bệnh vẫn có thể tự chủ trong các hoạt động sinh hoạt.
- Giai đoạn 2: Lúc này các dấu hiệu của bệnh xuất hiện ở cả hai bên, tuy nhiên người bệnh vẫn có khả năng thăng bằng.
- Giai đoạn 3: các triệu chứng xuất hiện ở cả hai bệnh, người bệnh có thể có hoặc không có khả năng thăng bằng, bị hạn chế một số hoạt động tuy nhiên vẫn có thể tự chủ được.
- Giai đoạn 4: các hoạt động vận động bị suy giảm, người bệnh cần được hỗ trợ một phần trong các hoạt động phức tạp nhưng vẫn có thể đi đứng được.
- Giai đoạn 5: trong giai đoạn này người bệnh không còn khả năng tự chủ, phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường.
Phương pháp điều trị bệnh Parkinson
Hiện tại người bệnh Parkinson được tiến hành điều trị bằng cách sử dụng thuốc là chủ yếu, ngoài ra còn có một số phương pháp khác trong điều trị.
Điều trị bằng thuốc
Hiện có nhiều nhóm thuốc được sử dụng điều trị cho bệnh Parkinson gồm:
- Nhóm thuốc ức chế choline: Trihex, Artan.
- Nhóm thuốc thay thế dopamine: Levodopa – thuốc giúp cung cấp dopamine theo đúng cơ chế bệnh sinh của bệnh với các thuốc như Sinemet, Syndopar, Madopar,…Khi người bệnh tiến hành điều trị bằng Levodopa thì không nên sử dụng kết hợp với vitamin B6.
- Nhóm thuốc kích thích trực tiếp lên các thụ thể dopamin: Trivastal, Sifrol.
- Nhóm thuốc ức chế hủy dopamine: nhóm thuốc này hiện ít được sử dụng tại Việt Nam.
Cách sử dụng: đối với nhóm thuốc điều trị bệnh Parkinson nên uống khởi đầu với liều thấp nhất. Sau đó tăng dần liều đến khi có tác dụng và duy trì liều dùng. Trong trường hợp muốn thay thế thuốc khác cần phải hạ liều dần dần, tuyệt đối không được ngừng đột ngột.
Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc điều trị Parkinson: mỗi nhóm thuốc khác nhau sẽ có thể xuất hiện những tác dụng phụ khác nhau, tuy nhiên các tác dụng phụ thường xuyên gặp là: khô miệng, khô mắt, buồn ngủ, dị ứng, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, hạ huyết áp tư thế, buồn nôn, đau bụng, táo bón, ăn không tiêu,…Khi sử dụng với liều cao có thể xuất hiện các biểu hiện kích động, lũ lẫn, xuất hiện ảo giác.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc thuộc các nhóm trên thì người bệnh có thể sử dụng kết hợp với các thuốc bảo vệ và dinh dưỡng thần kinh. Nhóm thuốc này có tác dụng chống các gốc tự do, nuôi dưỡng thần kinh.
Một số phương pháp điều trị khác
- Các phương pháp khác được thực hiện trong trường hợp điều trị nội khoa ít có hiệu quả, khi này người bệnh có thể được điều trị bằng cách phương pháp sau: kích thích não ở sâu, phẫu thuật, xạ phẫu.
- Điều trị phẫu thuật định vị: là phương pháp phá hủy nhân VOA hoặc hủy cầu hạt hoặc nhân VIM ở vùng đồi thị. Đây là một phương pháp có hiệu quả khả quan cho người bệnh.
- Ghép mô thần kinh: Một số trường hợp hội chứng teo đa hệ và liệt trên nhân tiến triển đã được áp dụng phương pháp này tuy nhiên thất bại. Phương pháp này ít được biết đến và chưa được ứng dụng rộng rãi.
- Kích thích điện vùng liềm đen-thể vân: dùng máy tạo nhịp tạo xung kích thích sau đó cấy điện cực vào vùng nhân.
- Ngoài ra còn có thể điều trị theo phương pháp y học cổ truyền hay phục hồi chức năng, tuy nhiên tác dụng của các phương pháp này còn hạn chế, chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào về điều trị bằng 2 phương pháp này được công bố.
- Phương pháp phục hồi chức năng thường được kết hợp trong quá trình điều trị bằng các phương pháp khác giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tai biến, biến chứng có thể gặp ở người bệnh Parkinson
Là một bệnh lý mạn tính tiến triển nặng dần nên người bệnh Parkinson có thể sẽ gặp một số tai biến, biến chứng như sau:
- Dễ gây loãng xương: người bệnh bị thiếu vitamin D và trong tình trạng ít vận động.
- Suy mòn, suy kiệt: bệnh nhân run nhiều dẫn đến mất năng lượng mà người bệnh Parkinson đường ruột kém hoạt động nên dễ suy kiệt.
- Dễ bị ngã: người bệnh dễ bị loãng xương, khả năng thăng bằng mất nên rất dễ bị ngã và có thể gây ra gãy xương, đặc biệt là ở cổ xương đùi.
- Viêm phôi hoặc bội nhiễm phổi: người bệnh suy mọn kết hợp với tình trạng cơ bị co cứng nên có nguy cơ cao mất khả năng ho khạc.
Để tránh và giảm thiểu nguy cơ xuất hiện biến chứng người bệnh mắc Parkinson nên cho người bệnh năng đi lại, bước dài chân, đi chậm, tắm nắng, tập cách thở sâu, bổ sung chất dinh dưỡng, các thực phẩm giàu vitamin đặc biệt là vitamin D, nên ăn thực phẩm dễ tiêu. Nên có các biện pháp hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng hô hấp, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt cần chú trọng trong việc phòng và tránh bị ngã nhằm hạn chế nguy cơ gãy xương xảy ra.
Bệnh Parkinson có thể điều trị khỏi không?
Hiện tại người bệnh chỉ có thể điều trị giúp làm giảm triệu chứng, trì hoãn tiến trình bệnh phát triển giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bằng thuốc và các phương pháp khác chứ chưa có bất kỳ phương pháp điều trị nào chữa khỏi hoàn toàn cho người bệnh mắc Parkinson
Cách phòng ngừa bệnh Parkinson
Các biện pháp nên lưu ý và thực hiện nhằm phòng ngừa bệnh Parkinson như:
- Ngăn cản độc tố gây chết tế bào thần kinh xâm nhập vào não bằng cách uống trà xanh hằng ngày.
- Theo báo cáo nghiên cứu khoa học, hầu hết người bệnh Parkinson đều thiếu hụt nồng độ vitamin D. Bổ sung vitamin D đầy đủ bằng cách tắm nắng thường xuyên.giúp phòng ngừa bệnh Parkinson.
- Cần tránh xa nơi môi trường độc hại, nhất là thuốc diệt cỏ, trừ sâu,…
- Nhiều vấn đề sức khỏe có thể được ngăn ngừa khi bạn sử dụng cà phê một cách hợp lý, đây cũng là một cách giúp bạn phòng ngừa bệnh Parkinson.
- Có một chế độ tập luyện thể dục khoa học phù hợp với tình trạng bản thân.
- Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, bổ sung dinh dưỡng từ các loại hoa quả có chứa nhiều flavonoid.
Cách chăm sóc người bệnh Parkinson
Parkinson là bệnh cần phải điều trị cả đời, là bệnh lý tiến triển nặng nên chiến lược điều trị cho người bệnh không chỉ là sử dụng thuốc giúp người bệnh dễ chịu. Khi sử dụng thuốc cần dùng từ liều thấp nhất và nâng cao từ từ đến liều duy trì, dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả mà bệnh nhân vẫn có thể tự chủ và thực hiện các sinh hoạt cá nhân. Gia đình nên chú ý nếu người bệnh có dấu hiệu nặng lên của bệnh thì cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để được điều chỉnh liều lượng thuốc dùng.
- Chọn các bài tập phù hợp, các bài tập có tính mềm dẻo, chậm và động viên người bệnh thực hiện tập đều đặn sẽ giúp hạn chế triệu chứng nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Gia đình nên có các biện pháp phòng ngã cho người bệnh như lát gạch chống trơn, không có nhiều bậc thang lên xuống, không để nước bị rớt ra sàn, nền nhà không nhấp nhô.
- Người bệnh Parkinson thường bị khô miệng, táo bón chính vì vậy nên nhắc nhở bệnh nhân uống đủ nước, xoa bụng hằng ngày, bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ, đi vệ sinh vào một giờ nhất định để hình thành thói quen.
- Bên cạnh đó, người nhà nên gần gũi, trò chuyện, động viên khuyến khích cho người bệnh, nên khuyến khích người bệnh đọc sách để tránh suy giảm trí nhớ và đặc biệt là trầm cảm.