Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Châu.
Hôm nay nhận một tin buồn về người bạn bị K gan giai đoạn cuối. Bạn còn quá trẻ, theo hỏi thăm thì biết bạn bị viêm gan B từ nhiều năm nay. Chưa làm được gì cho bạn, nhưng mong viết vài dòng đến cộng đồng để có thể góp sức nhỏ vào ý thức phòng bệnh.
Tôi không phải bác sĩ chuyên khoa về truyền nhiễm/ bệnh tiêu hoá- gan mật nhưng quả thật đã gặp những bệnh nhân, người quen bị xơ gan, K gan có kết cục thật đau buồn. Và hầu hết đều có nguyên nhân do virus viêm gan B (HBV), trong khi chúng ta có thể phòng ngừa và điều trị trước khi nó tiến triển đến giai đoạn xơ gan hay ung thư.
Trên thế giới hiện nay có khoảng 2 tỷ/ 7 tỷ người nhiễm, 350 triệu người mạn tính/ 1.1 triệu người chết/ năm do HBV.
Trong chuyên ngành Huyết học- Truyền máu mà tôi đang làm việc thì HBV được xếp vào 1 trong 5 loại phải sàng lọc bắt buộc của Bộ Y Tế cho đối tượng người cho máu (donor) bằng phương pháp NAT. Tuy nhiên sàng lọc ban đầu người nhiễm thật quá đơn giản với test nhanh phát hiện kháng nguyên: HBsAg. Những điều tôi muốn nhắn nhủ với các bạn, có thể là người trong ngành y hoặc ngoài ngành y, nhưng hãy kiểm tra tình trạng nhiễm HBV của mình, người thân, bệnh nhân của mình bằng các bước đơn giản sau:
B1: làm xét nghiệm HBsAg test nhanh.
Nếu âm tính thì bạn hãy chuyển qua bước 2, dương tính: bước 3
B2: làm xét nghiệm anti-HBsAg.
-Nếu anti HBsAg <10UI/ ml, có nghĩa là bạn chưa tiêm vaccine hoặc chưa phơi nhiễm hoặc vaccine đv bạn chưa hiệu quả: bạn cần tiêm vaccine tại cơ sở tiêm chủng gần nhất. Điểu này khá đơn giản nhưng rất quan trọng để bảo vệ cho bạn với HBV.
-Nếu anti HBsAg từ 10-100UI/ml có nghĩa là cơ thể bạn có kháng thể nhưng chưa đủ mạnh, bạn cần tiêm vaccine nhắc lại 1 mũi để tăng cường kháng thể.
– Nếu anti HBsAg>100 UI/ml thì chứng tỏ kháng thể đủ bảo vệ, không cần tiêm nhắc lại trong thời gian dài (5 năm chẳng hạn).
Tuy nhiên những đối tượng có nguy cơ cao (bệnh nhân cần truyền máu, nhân viên y tế, người có khả năng phơi nhiễm với HBV (nói riêng và các bệnh STD nói chung) qua đường máu, tình dục… cũng cần có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
B3: bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa.
Bạn khoan buồn nhiều vì vẫn có một tỷ lệ may mắn sau 6 tháng bạn có thể âm tính với HBsAg, thậm chí có kháng thể anti-HBsAg >100 UI/ml (bạn giống như được tiêm vaccine tự nhiên).
Nếu sau 6 tháng, HBsAg vẫn dương tính thì khả năng bạn bị nhiễm HBV mạn tính. Bạn cần được khám bác sĩ chuyên khoa định kỳ để theo dõi và uống thuốc kháng virus, đừng để virus tiến triển gây xơ gan, ung thư gan.
Lưu ý lớn nếu bạn nhiễm HBV khi
đang mang thai, nếu không được uống thuốc kháng virus trong thời gian mang thai và tiêm HBIg thì nguy cơ con bạn có thể bị nhiễm HBV.
Điều cần chú ý là trẻ càng nhỏ, tuổi càng trẻ nhiễm HBV thì nguy cơ viêm gan mạn, xơ gan, K gan càng cao. Do đó, các bác sĩ, bệnh nhân cùng phối hợp để quản lý thai kỳ cho các mẹ nhiễm HBV nguy cơ lây cho con trong giai đoạn chu sinh.
Kết cục của xơ gan, ung thư gan, như bạn đã biết là rất bi thảm, nguyên nhân chủ yếu là do HBV, thầm lặng, nhiều khi không triệu chứng trong nhiều năm. Điều cần thiết là cần phòng ngừa nó trước khi quá muộn.
Mong đóng góp chút sức nhỏ cho cộng đồng. Chúc các bạn khoẻ, vui, làm nhiều điều lợi ích cho mình, cho mọi người.