Trào ngược dạ dày thực quản là gì? Nguyên nhân, cách điều trị

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay ở nước ta. Vậy bệnh này diễn ra như thế nào, bệnh gây hại ra sao, biểu hiện như thế nào,… Để hiểu rõ hơn về các vấn đề này mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của Tạp chí Y Học Việt Nam nhé.

1, Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý đường tiêu hóa có tên quốc tế là Gastroesophageal Reflux Disease, viết tắt là GERD. Trào ngược dạ dày là tình trạng các thành phần bên trong dạ dày như dịch dạ dày, thức ăn, men tiêu hóa, hơi… bị trào ngược lên phía trên thực quản qua lỗ tâm vị.

Trong trường hợp bình thường, mỗi khi chúng ta ăn uống thức ăn sẽ được đưa từ miệng đi qua thực quản. Cơ vòng thực quản nằm ở phía dưới sẽ bắt đầu mở ra, cho phép thức ăn đi vào lòng dạ dày. Sau đó khi đã tống một lượng thức ăn xuống thì các cơ này sẽ tự động đóng kín lại để ngăn không cho thức ăn và dịch dày trào ngược trở lại lên lòng thực quản. Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các cơ thực quản đóng không kín làm cho dịch dạ dày, thậm chí cả thức ăn trào ngược trở lại làm tổn thương các cơ quan phía trên như thực quản, thanh quản, miệng họng,..

Thực tế cho thấy rằng, tất cả những bệnh nhân bị bệnh dạ dày, đặc biệt là viêm loét dạ dày sẽ có nguy cơ biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài những đối tượng đó thì những người bình thường cũng có thể bị mắc tình trạng này.

2, Nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Một số nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
Một số nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản không có nguyên nhân chính nào gây nên bệnh. Mà đây thực chất là một bệnh lý bị ảnh hưởng và gây ra bởi các bất thường hay bệnh lý khác. Do đó nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ là các nguyên nhân gây nên các bệnh lý ảnh hưởng đó.

Thông thường, các yếu tố gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản đều tác động gây bệnh theo hai cơ chế là: Lợi dụng tình trạng suy yếu của cơ thắt thực quản đoạn dưới và sự dư thừa acid dịch dạ dày, một số trường hợp còn là sự quá tải bên trong dạ dày. Do đó những nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu của cơ thắt thực quản đoạn dưới sẽ có nguy cơ dẫn tới bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đó có thể là một trong các nguyên nhân sau:

  • Do tác dụng phụ của một số loại thuốc: Những người sử dụng thường xuyên và kéo dài các loại thuốc như Cholecystokinine, Glucagon, Aspirin, Ibuprofen, Nifedipin, thuốc hạ áp cơ bản,… thường có nguy cơ dẫn tới hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.
  • Do nhiều người có thói quen sinh hoạt hay sở thích dùng các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá, ma túy,… Những chất này thường kích thích thần kinh trung ương mạnh làm cho cơ thực quản bị rối loạn hoạt động, dễ bị suy yếu. Từ đó dẫn tới bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Do bệnh nhân còn mắc một số bệnh lý khác như: Tổn thương hệ thần kinh đặc biệt là hệ phó giao cảm có nhánh chi phối vùng thực quản, các bệnh lý nhiễm nhiễm do vi khuẩn ở thực quản có khả năng tạo nên tổ chức xơ, dễ làm yếu các cơ vòng đoạn dưới thực quản,… Ngoài ra một số bệnh lý bẩm sinh như teo thực quản, thoát vị hoành, yếu cơ tâm vị,… cũng có thể gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Những yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng tăng tiết quá mức acid dạ dày hay là sự quá tải các thành phần bên trong lòng dạ dày như:

  • Bệnh lý tại dạ dày: Đây chính là đại đa số nguyên nhân gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Một số bệnh lý dạ dày có thể gặp phải là viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày,…
  • Do thói quen ăn uống không hợp lý: Nhiều người hay có thói quen ăn quá no, hay lựa chọn và ăn các loại thức ăn khó tiêu như các loại nước có gas, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, trứng, sữa,… mà không bổ sung thêm các chất cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Điều đó làm cho thức ăn tồn tại ở dạ dày quá lâu gây quá tải dạ dày.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác cũng có nguy cơ gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản như: béo phì, phụ nữ mang thai, tâm lý căng thẳng, stress kéo dài,…

3, Các triệu chứng lâm sàng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Các triệu chứng của bệnh này cũng khá đặc trưng và dễ phát hiện. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện là:

  • Ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị:

Ợ hơi, ợ chua thường xuyên chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh nhân thường ợ ngay sau khi ăn và tạo nên cảm giác chua trong miệng.

Bệnh nhân luôn cảm giác nóng rát vùng thượng vị chính là vị trí tương ứng phía bên ngoài của dạ dày. Tình trạng nóng rát có thể bị lan rộng ra các vùng xung quanh, đặc biệt hay gặp là ở vùng dưới xương ức rồi sau đó lan lên cổ làm cho bệnh nhân rất khó chịu.

Các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, nóng rát có xu hướng xuất hiện thường xuyên sau khi bệnh nhân ăn no, khi nằm ngủ, hay gặp nhiều nhất là vào ban đêm.

  • Buồn nôn và nôn:

Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản, chính hiện tượng trào ngược của axit dịch dạ dày lên phía trên thực quản, họng hoặc miệng sẽ gây nên hiện tượng kích thích những vị trí đó làm cho bệnh nhân có cảm giác buồn nôn.

Triệu chứng buồn nôn và nôn có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào nhưng ban đêm là thời điểm nặng nề nhất. Đó là do tư thế khi ngủ sẽ dễ bị trào ngược hơn và trong thời gian ngủ hệ thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh mẽ hơn.

Sinh lý bệnh bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Sinh lý bệnh bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Đau tức ngực thượng vị, hạ sườn trái:

Bệnh nhân có cảm giác như bị đè ép lên ngực gây nên cảm giác đau. Đau có thể tại chỗ hoặc di chuyển xuyên ra sau lưng và vùng phía trong cánh tay.

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này thường là do acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản kích thích vào các đầu mút sợi thần kinh ngoại vi nằm ở trên bề mặt niêm mạc thực quản gây ra cảm giác đau.

Tuy nhiên đây là một triệu chứng chung của nhiều bệnh lý vùng ngực nên các bạn cần phân biệt và tránh nhầm lẫn với các bệnh hệ tim mạch hay các bệnh hô hấp khi có triệu chứng đau tức ngực.

  • Khó nuốt, nuốt đau, nuốt nghẹn:

Trào ngược dạ dày thực quản mức độ nặng, thường xuyên và kéo dài sẽ gây phù nề, sưng tấy và từ đó làm cho đường kính lòng thực quản bị thu hẹp lại. Vì vậy mà người bệnh luôn có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ, khi cố nuốt thấy rất đau và nhiều khi bệnh nhân bị nghẹn.

  • Ho và khàn tiếng:

Triệu chứng này chỉ xảy ra khi dịch acid dạ dày khi trào ngược lên gây ảnh hưởng và làm tổn thương tới thanh quản. Khi đó người bệnh sẽ bị khàn tiếng do dây thanh âm bị tổn thương phù nề, khó nói, nói ngọng,… Nếu để lâu ngày sẽ tiến triển làm bệnh nhân ho do dịch viêm chảy xuống vùng thanh phế quản, ảnh hưởng tới chức năng đường hô hấp.

  • Miệng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường:

Đây được coi là một cơ chế tự bảo vệ của cơ thể ở vùng miệng họng và các tuyến. Hiện tượng này chủ yếu là nhằm mục đích trung hòa bớt lượng dịch acid dạ dày bị trào ngược lên.

Nhiều khi dấu hiệu tiết nhiều nước bọt cũng khiến cho bệnh nhân bị kích thích, cảm thấy buồn nôn.

4, Phân loại bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Để thuận tiện hơn cho việc chẩn đoán, tiên lượng và điều trị bệnh. Người ta phân loại bệnh dựa vào kết quả nội soi như sau:

  • Grade A: Tại thực quản có một hoặc nhiều vết xước niêm mạc nhưng chiều dài thường không quá 5 mm, trong đó không có vết rách nào lan rộng quá vùng đỉnh của các nếp gấp niêm mạc.
  • Grade B: Tại thực quản có một hoặc nhiều vết rách niêm mạc và có độ dài trên 5 mm, không có vết rách nào lan rộng qua vùng đỉnh của 2 nếp gấp niêm mạc.
  • Grade C: Vết rách niêm mạc có xu hướng rộng ra qua khỏi vùng đỉnh của nhiều nếp gấp niêm mạc, nhưng những tổn thương này thường chỉ chiếm dưới 75 % chu vi niêm mạc thực quản.
  • Grade D: Vết rách niêm mạc lan rất rộng trên 75 % của chu vi niêm mạc thực quản.

5, Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?

Dạ dày là một phần trong hệ thống tiêu hóa của cơ thể, nó có chức năng chứa đựng và tiêu hóa một phần thức ăn khi bệnh nhân ăn vào qua đường miệng. Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, dạ dày phải sản xuất và tiết ra một acid rất mạnh là acid hydrochloric (HCl), loại axit dạ dày này sẽ giúp hoạt hóa enzym pepsin. Pepsin là một loại enzyme tiêu hóa đảm nhiệm vai trò chính trong tiêu hóa protein thức ăn. Đây chính là lý do mà bản thân dạ dày luôn có một lớp hàng rào rất kiên cố là chất nhầy ngăn không cho các acid và các enzyme tác động gây tổn thương chính dạ dày.

Tuy nhiên đó chỉ là cơ chế tự bảo vệ của riêng dạ dày, các cơ quan khác thường không có cơ chế bảo vệ này. Vậy nên khi các cơ quan đó tiếp xúc với dịch acid dạ dày thì lớp niêm mạc của chúng sẽ nhanh chóng bị tổn thương, dẫn tới hiện tượng phù nề, viêm nhiễm, xơ sẹo và dính, nhiều trường hợp nặng hơn có thể là nguy cơ gây nên bệnh ung thư. Một số tác hại mà bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra như:

Viêm thực quản, ung thư thực quản là biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Viêm thực quản, ung thư thực quản là biến chứng của trào ngược dạ dày thực quản
  • Viêm loét tại thực quản: Khi thực quản bị loét, các vết loét đó có thể bị kích thích gây chảy máu, đau đớn và làm cho bệnh nhân khó nuốt. Nếu thực quản bị tổn thương nghiêm trọng thì có thể làm tới gây tổn thương các cơ quan xung quanh như hô hấp, tim mạch, mũi họng,…
  • Hẹp và xơ sẹo thực quản: Khi  bệnh nhân bị loét thực quản và sau đó tổn thương liền lại sẽ có nguy cơ để lại xơ sẹo gây nên tình trạng hẹp thực quản, dẫn tới làm tắc nghẽn đường dẫn tiêu hóa thức ăn.
  • Dấu hiệu thực quản Barrett: Đây là tình trạng các mô vảy khu vực đoạn dưới thực quản bị thay mới, biến dạng thành các mô hình cột, các mô này thường có cấu tạo tương tự như các tế bào ở lòng ruột. Đây chính là hậu quả của quá trình tổn thương liên tục đến lớp niêm mạc của thực quản. Hơn nữa, những tế bào một khi đã bị biến đổi sẽ có nguy cơ tiềm ẩn chuyển thành các tế bào ung thư. Vì vậy, đối với những bệnh nhân bị thực quản Barrett thì nên thực hiện nội soi dạ dày kèm theo sinh thiết để tầm soát tế bào ung thư.
  • Nguy cơ dẫn tới bệnh ung thư thực quản: Ung thư thực quản được chia thành 2 loại chính là: ung thư biểu mô tuyến thực quản và ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Biểu hiện gây hại ngoài thực quản: Bệnh có thể gây viêm nhiễm vùng mũi họng, viêm tai giữa, viêm nhiễm thanh quản, dây thanh âm,… Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần. Trào ngược dạ dày thực quản còn có khả năng làm nặng thêm bệnh hen phế quản. Acid trào ngược lên có thể ăn mòn men răng, acid trào vào phổi có thể gây xơ xẹp phổi….

6, Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Quá trình điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm các phương pháp chủ động như thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn hay kết hợp với các phương pháp điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa hoặc sử dụng các phẫu thuật đặc hiệu.

Điều trị cần tuân theo 3 nguyên tắc và mục đích sau:

  • Cải thiện và phục hồi lại chức năng của cơ thắt thực quản vùng bên dưới sát dạ dày.
  • Nếu cần thiết thì dung một số loại thuốc phù hợp để điều trị làm giảm các triệu chứng của bệnh nhân.
  • Điều trị song song nếu có bệnh kèm theo để hạn chế biến chứng khác trong điều trị.

6.1. Điều trị không dùng thuốc

Phương pháp điều trị không dùng thuốc hoặc hạn chế tối thiểu cho bệnh nhân dùng thuốc luôn được các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khuyến khích bệnh nhân nên làm. Thiết lập một chế độ sinh hoạt hợp lý và một chế độ ăn đúng, đủ sẽ góp phần làm giảm đáng kể mức độ cũng như sự xuất hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Có thể thực hiện như sau:

Biện pháp điều trị và ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản
Biện pháp điều trị và ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản
  • Chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ: Cách này nhằm mục đích chính là để tránh cho bệnh nhân ăn quá no sẽ dễ dẫn tới trào ngược. Nên cho bệnh nhân ăn thành nhiều bữa sẽ tốt hơn là ăn ít bữa lớn.
  • Lựa chọn các thực phẩm có tính kiềm: Thức ăn có tính kiềm sẽ giúp trung hòa acid dịch dạ dày. Các loại thực phẩm nên lựa chọn có thể là những thực phẩm từ tinh bột (bánh mì, bột yến mạch, khoai lang,…) hay đạm để bệnh nhân dễ tiêu hóa hơn.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng kích thích tăng tiết acid dạ dày hay kích thích cơ thắt vùng dưới thực quản vì sẽ có nguy cơ gây trào ngược. Đó là các loại hoa quả có hàm lượng axit cao như chanh, cam, dứa… và một số chế phẩm nguồn gốc từ sữa.
  • Hạn chế việc sử dụng những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, thực phẩm có tính chua, cay.
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, thói quen thích dùng các loại đồ uống có gas, không nên dùng các chất kích thích khác.
  • Giữ cân nặng hợp lý: Cân nặng thường được kiểm soát tốt bằng cách thiết lập và duy trì chế độ ăn, chế độ vận động hợp lý. Đối với những người đang có hiện tượng thừa cân nên thực hiện chế độ ăn cho người giảm cân.
  • Không nằm hoặc lao động ngay sau khi ăn: Vì khi nằm dạ dày nằm ngang sẽ tăng nguy cơ trào ngược. Hoặc lao động ngay sau khi ăn xong sẽ khiến thức ăn trong dạ dày dễ bị xáo trộn, kích thích tiết nhiều acid.
  • Thư giãn, giảm stress có thể làm giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản một cách rõ ràng và hiệu quả.
  • Theo nhiều nghiên cứu người ta thấy rằng các loại thực phẩm chứa tinh bột sẽ có khả năng làm giảm triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Để phòng trường hợp bệnh nặng hơn, ngay khi các bạn xuất hiện các dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản dù là mức độ nhẹ thì hãy tới các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

6.2. Điều trị bằng thuốc

Áp dụng cho những trường hợp bệnh diễn biến nặng nề hơn và ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh, gây nhiều bất tiện cho họ. Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân có thể sử dụng một số nhóm thuốc như sau:

Các loại thuốc trung hòa acid dạ dày:

Nhóm thuốc này giúp hạn chế tối đa sự gây hại của acid đến các cơ quan chức năng xung quanh. Khi acid dạ dày được trung hòa tạo thành dạng acid yếu hơn thì khả năng gây tổn thương thực quản sẽ giảm đáng kể. Bệnh nhân có thể được kê một số loại thuốc như:

  • Smectite: Trung hòa acid, thuốc hay được sử dụng cho những người bệnh bị trào ngược kiềm.
  • Sucralfat: Trung hòa acid, ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ và thúc đẩy quá trình phục hồi của niêm mạc dạ dày.
  • Phosphalugel, Maalox.

Các loại thuốc điều hòa nhu động dạ dày, thực quản:

  • Metoclopramide: Thuốc có tác dụng làm tăng chức năng nhu động thực quản rất hữu hiệu trong điều trị chứng trào ngược. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa gây nên các biểu hiện như đầy bụng, khó tiêu.
  • Domperidon: Điều hòa nhu động dạ dày, thực quản, từ đó làm tăng áp lực lên các cơ thắt thực quản đoạn dưới để cải thiện và làm giảm mức độ của bệnh.

Các loại thuốc làm giảm tiết acid dạ dày:

Giảm tiết acid dạ dày bằng các cơ chế khác nhau sẽ giúp cho dạ dày và thực quản ít bị tổn thương hơn trước sự tấn công của acid trong dịch vị. Một số loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân như:

  • Thuốc ức chế bơm proton: đây là một nhóm thuốc có tác dụng giảm tiết acid dạ dày rất hiệu quả, ít gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa, được nhiều người ưu tiên làm lựa chọn hàng đầu trong điwwfu trị bệnh.
  • Thuốc kháng Histamin: có tác dụng ức chế làm giảm bài tiết acid dạ dày, đồng thời làm giảm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, nóng rát thượng vị,…

6.3. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

Trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản bệnh nhân ít khi cần can thiệp phẫu thuật. Do đó chỉ định phẫu thuật chỉ được đặt ra khi các triệu chứng của bệnh nhân ngày càng nặng nề mà không đáp ứng với 2 phương pháp điều trị đã kể trên.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải được thăm khám, đánh giá và tiên lượng chính xác mức độ của bệnh cũng như tình hfnh các bệnh lý khác của cơ thể. Từ đó lựa chọn phương pháp can thiệp phẫu thuật phù hợp. Hiện nay người ta thường sử dụng 2 phương pháp phẫu thuật là: phẫu thuật nội soi và phẫu thuật Nissen fundoplication.

  • Phẫu thuật nội soi: Đây là một phương pháp cho phép các phẫu thuật viên có thể quan sát toàn cảnh nhiều vị trí trong hệ thống dạ dày – thực quản, từ đó hỗ trợ để xử lý nhanh và chính xác hơn. Nội soi là một phương pháp thông dụng để thúc đẩy khả năng kiểm cũng như làm giảm các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra phương pháp này có một ưu điểm nữa là rất ít làm ảnh hưởng và tổn thương các vùng xung quanh.
  • Phẫu thuật Nissen – fundoplication: Đây là một phương pháp can thiệp chủ yếu đến đoạn thực quản nằm bên trong ổ bụng, mục đích để kiểm soát độ dài thực quản thích hợp, tránh tạo nhiều áp lực lên vùng quanh đầu xa thực quản. Ngoài ra, trong phương pháp phẫu thuật này người ta còn cải thiện những dị dạng của lỗ thực quản nếu có, từ đó có thể làm giảm các triệu chứng bệnh cho bệnh nhân.

Phẫu thuật là một phương pháp điều trị xâm lấn. Phương pháp này nên được kết hợp với điều trị không dùng thuốc để nâng cao hiệu quả điều trị cũng như giúp bệnh nhân nhanh hồi phục hơn.

Phẫu thuật nội soi là một trong các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Phẫu thuật nội soi là một trong các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản

7, Các câu hỏi thường gặp về bệnh trào ngược dạ dày thực quản

7.1. Trào ngược dạ dày thực quản có nên kiêng gì không?

Khi bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các bạn nên tránh các loại thức ăn quá nhiều dầu mỡ, quá cay nóng và các chất kích thích.

Ngoài ra nếu các bệnh lý viêm loét dạ dày thì cũng nên tránh một số loại thức ăn chua, cay, các loại đồ kích thích đường tiêu hóa.

7.2. Bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không?

Khi mang thai do tử cung ngày càng lớn sẽ chèn ép các tổ chức trong ổ bụng, trong đó có dạ dày. Khi dạ dày bị chèn ép sẽ làm tăng áp lực trong lòng dạ dày và bà bầu sẽ có nguy cơ cao bị trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên tình trạng này chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường do thai kỳ gây nên, sau đó sẽ hết sau khi sinh. Vì vậy các bà bầu không cần quá lo lắng về tình trạng này nhé, cũng không cần điều trị gì khi đang mang thai để tránh gây ảnh hưởng tới thai nhi.

7.3. Trẻ em có bị trào ngược dạ dày thực quản không?

Theo nhiều nghiên cứu thực tế trên cộng đồng người ta thấy rằng trẻ em cũng là một đối tượng có thể bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng tỷ lệ rất thấp. Nếu có thì thường gặp ở những trẻ bị béo phì hay những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử có bệnh dạ dày.

7.4. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Những trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày thực quản thường là những trẻ bị dị dạng dạ dày hoặc dị dạng thực quản. Những trường hợp này cần phải can thiệp để giải quyết các nguyên nhân gây trào ngược cho trẻ.

7.5. Bị trào ngược dạ dày thực quản uống thuốc gì?

Nếu việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như luyện tập mà bệnh không giảm thì bệnh nhân mới cần dùng thuốc. Khi đó các bác sĩ có thể kê cho các bạn một số loại thuốc giãn cơ trơn, thuốc giảm tiết dịch dạ dày, thuốc bọc niêm mạc dạ dày,… Khi dùng thuốc điều trị bệnh, các bạn phải tuân thủ theo đơn thuốc điều trị của bác sĩ.

Trên đây là một số thông tin về bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có những cái nhìn đúng đắn và chi tiết hơn về bệnh này từ đó có thể có các cách điều trị cũng như phòng bệnh phù hợp nhất. Trào ngược dạ dày thực quản không quá nguy hiểm, nhưng hãy đẩy lùi bệnh bằng chính việc ăn uống hằng ngày nhé.

Kim Chi Nguyễn Thị
Lời nói đầu, Thân gửi các bạn độc giả của bs Chi. Mình muốn tâm sự một chút suy tư của một bác sĩ nghèo nhưng lại mang trong mình một nỗi lòng đau đáu của một người mẹ, một người phụ nữ lương thiện, muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Cách đây hơn 3 năm, trước khi đại dịch covid xảy ra. Mình có lập 1 trang fb với tên Dr. Nguyễn Thị Kim Chi. Trang chuyên dịch những bài viết hay về thông tin y học trên Medscape, một tờ báo uy tín. Những bài viết là những tiến bộ khoa học nhân loại được chuyển thể từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Với mục đích đem thông tin y học mới nhất, đem những thành tựu y học tiên tiến nhất tiếp cận với những bệnh nhân, người mà cũng đang khao khát tìm đến những hy vọng tiến bộ y học trên con đường chạy chữa bệnh của bản thân, người thân, gia đình mình. Với mục đích đó, mình thực hiện cũng được hơn 3 năm. Trộm vía, được sự ủng hộ giúp đỡ của bạn đọc, may mắn công việc đó cũng vẫn trôi chảy. Với việc đem thông tin y học chuyển tải qua tiếng Việt, mình cũng được rất nhiều bạn đọc tìm hiểu, đặt những câu hỏi về tình trạng bệnh, cách chữa trị của người thân, con cái, hay những phương pháp tiên tiến nhất. Cảm ơn tình cảm của bạn đọc đã ủng hộ bs cũng như trang fb Dr.Nguyễn Thị Kim Chi. Nay trang fb được đổi tên thành Fb Nguyễn Thị Kim Chi. Xuất phát từ việc khao khát muốn làm thiện nguyện, mình đã mạnh dạnh lập nên trang fb này. Với mục đích kêu gọi từ thiện từ những bạn đọc gần xa. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Trao đi là còn mãi! Mình mong muốn làm từ thiện thì từ rất lâu rùi. Mình cũng đi tìm hiểu rất nhiều hội nhóm với mong muốn có thể hành động, hoặc làm bất kì những việc gì đó, dù là nhỏ nhất có thể giúp đỡ được người khó khăn hơn mình. Chính vì khao khát mong muốn trao đi những tình cảm tốt đẹp, vượt qua cái ngại ngần của bản thân, và ước mơ thiện nguyện thành sự thật nên mình, bs Chi lập trang fb Thiện nguyện - Charity. Trang này sẽ là lưu giữ những thông tin vs những tấm lòng thiện nguyện của bạn đọc trang bs Chi. Hãy chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Dù là nhỏ nhất cũng rất đáng trân trọng. Mình xin đóng góp quỹ của trang Thiện nguyện - Charity trước 1000k. Số tiền này tuy nhỏ, nhưng mong muốn trang sẽ giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn. Bạn đừng ngần ngại trao đi, dù là 20k hay 50k. Nếu bạn thấy thoả đáng thì điều đó đã là thiện nguyện rùi. Hãy để mình giúp bạn 1 phần nhỏ trên con đường thiện nguyện, để chúng ta có chung bạn thiện thành. Nếu bạn đọc bài, thấy bài hay xin like vs chia sẻ miễn phí. Nếu bạn muốn làm từ thiện, hãy chuyển tấm lòng của bạn tới số tài khoản của bs Chi. Mình sẽ giúp bạn gửi tới những người có hoàn cảnh khó khăn vs tấm lòng chân thành nhất. Tài khoản mang tên Nguyễn Thị Kim Chi Số tài khoản: 26702461 Ngân hàng: Vp bank (Vì Việt Nam thịnh vượng) Chuyển khoản ghi: TC tên người chuyển khoản Số tiền được cộng vào đủ từ 1000k-5000k sẽ được trao đến các địa chỉ công khai. Đến đây mình, bs Chi xin cảm ơn bạn đọc đã đồng hành cùng mình trong thời gian qua vs trong thời gian tới. Chúc các bạn đọc sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt.