Thận là cơ quan vô cùng quan trọng với cơ thể, đảm nhận chức năng lọc máu, đào thải chất cặn bã ra ngoài. Xét nghiệm eGFR là một trong những yếu tố để đánh giá chức năng cũng như hoạt động của thận còn tốt hay không.
Độ lọc cầu thận ước tính – eGFR là gì?
Thận là cơ quan bài tiết quan trọng của cơ thể. Hoạt động chính của nó là lọc máu ở cầu thận. Máu vận chuyển các chất độc, các chất dư thừa, không còn cần thiết cho cơ thể đến thận, để từ đây chúng được đưa ra ngoài thông qua nước tiểu. Khi thận bị tổn thương, chức năng thận bị suy giảm, dẫn đến tích tụ các chất độc hại trong máu gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Ngoài chức năng bài tiết, chúng còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác như duy trì sự cân bằng axit-bazơ, sự cân bằng các chất điện giải bao gồm natri, kali, clo,…, điều hòa huyết áp hay sản sinh hormon. Chính vì vậy, bất kì một sự bất thường nào liên quan đến cấu trúc và chức năng ở thận đều gây nên những rối loạn trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chức năng thận thường xuyên là một cách hay để phòng ngừa và phát hiện kịp thời những thay đổi đó.
Độ Lọc Cầu Thận ước tính eGFR (estimated Glomerular Filtration Rate) là một con số cụ thể có được do đo lường. Giá trị của nó phản ánh mức độ thực hiện chức năng lọc máu của thận, đồng thời giúp sàng lọc, phát hiện các tổn thương thận nếu có và xác định các giai đoạn của bệnh thận. Xét nghiệm eGFR là xét nghiệm phổ biến và có giá trị chẩn đoán nhất hiện nay trong việc xác định chức năng thận.
Độ lọc cầu thận ở người bình thường không mắc bệnh thường là khoảng 90-100 mL/ phút.
Ở người có tổn thương thận, chức năng lọc máu suy giảm, nồng độ các chất cặn bã (creatinin) tăng thì giá trị độ lọc cầu thận này sẽ giảm xuống.
Khả năng lọc máu không giống nhau ở tất cả mọi người. Chúng còn phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính.
Các đối tượng thường được chỉ định làm xét nghiệm eGFR
- Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch,… hay bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh thận. Đây là các yếu tố làm gia tăng khả năng dẫn đến tổn thương thận.
- Bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ là do tổn thương thận gây ra.
- Bệnh nhân đang mắc bệnh thận mãn tính được chỉ định làm xét nghiệm eGFR để theo dõi mức độ đáp ứng của cơ thể đối với phương pháp điều trị.
- Bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật thận, ghép thận cần được theo dõi chức năng thận và kiểm soát nguy cơ đào thải tạng sau ghép.
Công thức tính eGFR
Công thức tính eGFR theo phương trình IDMS-Traceable MDRD:
eGFR = 175 × (SCr) – 1,154 × (tuổi) – 0,203 × 0,742 (nếu là nữ) × 1,212 (nếu là người da đen) |
Chú thích: Scr là nồng độ creatinin trong máu (µmol/L).
Mức lọc cầu thận (GFR) mô tả thể tích chất lỏng được lọc từ mao mạch cầu thận (thận) vào nang Bowman trên một đơn vị thời gian.
Mức lọc cầu thận, như đã trình bày ở trên, nó phụ thuộc vào 3 yếu tố:
- Độ thanh thải creatinin: là thể tích huyết tương được thanh thải creatinin trên một đơn vị thời gian. Độ thanh thải creatinin càng nhỏ thì Scr càng cao và ngược lại.
- Độ tuổi. Tuổi càng cao, hoạt động của các cơ quan ngày một giảm, bao gồm cả thận, mức lọc cầu thận cũng sẽ giảm dần theo sự tăng lên của tuổi tác.Sau 40 tuổi, GFR giảm dần 0,4-1,2 mL/ phút mỗi năm Điều này đúng đối với cả trường hợp người không mắc bệnh thận.
- Giới tính: Nữ giới có mức lọc cầu thận thấp hơn ở nam giới. Mức lọc cầu thận trung bình ở nam giới là khoảng 100-130 (mL/phút/1,73m2), còn ở phụ nữ dưới 40 tuổi, mức lọc cầu thận trung bình nằm trong khoảng 90–120 (mL/phút/1,73m2).
Cách thức đọc kết quả eGFR
Chỉ số eGFR ở người bình thường như sau:
Tuổi | Chỉ số eGFR bình thường |
20-29 | 116 |
30-39 | 107 |
40-49 | 99 |
50-59 | 93 |
60-69 | 85 |
>70 | 75 |
Thông thường nếu kết quả xét nghiệm chỉ số eGFR trên 60 ml/phút/1,73m2 thì có thể xem chức năng thận bình thường, thận hoạt động ổn định. Tuy nhiên vẫn có thể có một số trường hợp ngoại lệ, bệnh nhân có thể bị tổn thương thận hoặc có nguy cơ mắc bệnh thận nếu có các biểu hiện lâm sàng của bệnh thận và những triệu chứng này đã kéo dài hơn 3 tháng, vì thế không nên chủ quan khi nhận được kết quả, cần thực hiện thêm 1 vài xét nghiệm khác để chẩn đoán được chính xác hơn.
Nếu kết quả xét nghiệm chỉ số eGFR dưới 60 ml/phút/1,73m2. Cần thực hiện lại xét nghiệm này liên tục trong 2 tháng tiếp theo. Trường hợp kết quả không đổi và/ hoặc bệnh nhân có kèm theo một vài triệu chứng khác về tổn thương thận, các xét nghiệm khác (như albumin niệu, huyết niệu hoặc kết quả siêu âm hoặc sinh thiết thận bất thường) thì bệnh nhân có khả năng mắc bệnh thận mãn tính.
Trong một số trường hợp, chỉ số eGFR có thể tăng hoặc giảm nhưng không nhất thiết bệnh nhân mắc các tổn thương thận. Đó có thể là do tác dụng phụ làm tăng hoặc giảm độ thanh thải creatinin của một số thuốc, hoặc do ảnh hưởng của nồng độ bilirubin máu. Ở phụ nữ có thai, chỉ số eGFR cũng thay đổi.
Các giai đoạn phát triển của bệnh thận mãn tính
Sự suy giảm đáng kể của chỉ số GFR có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh thận cần can thiệp y tế. Các giai đoạn tiến triển của bệnh thận mãn tính được phân chia tùy thuộc vào sự giảm giá trị của chỉ số GFR:
Giai đoạn của bệnh thận mãn tính (CKD) | Mức GFR (ml/phút/1,73m2) |
Giai đoạn 1 | ≥ 90 |
Giai đoạn 2 | 60–89 |
Giai đoạn 3 | 30–59 |
Giai đoạn 4 | 15–29 |
Giai đoạn 5 | <15 |
Mức độ nghiêm trọng của bệnh thận mãn tính (CKD) được mô tả theo 6 giai đoạn (thực chất là 5 giai đoạn)
- Giai đoạn 0: Chức năng thận bình thường, mức GFR trên 90 ml/phút/1,73m2 và không có protein niệu.
- Giai đoạn 1: mức GFR trên 90 ml/phút/1,73m2 với bằng chứng tổn thương thận (chẳng hạn tăng albumin niệu)
- Giai đoạn 2 (nhẹ): mức GFR từ 60 đến 89 ml/phút/1,73m2 với bằng chứng tổn thương thận.
- Giai đoạn 3 (vừa phải): mức GFR từ 30 đến 59 ml/phút/1,73m2
- Giai đoạn 4 (nặng): mức GFR từ 15 đến 29 ml/phút/1,73m2
- Giai đoạn 5: Suy thận, mức GFR dưới 15ml/phút/1,73m2. (Giai đoạn 5D: những bệnh nhân giai đoạn 5 cần lọc máu)
Dựa vào kết quả xét nghiệm độ lọc cầu thận ước tính eGFR và các xét nghiệm dùng trong chẩn đoán phân biệt khác. Bác sĩ có thể đánh giá được liệu thận có đang thực hiện tốt chức năng của mình, đồng thời lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp nếu thận bị tổn thương.
Xem thêm:
Chỉ số HCT là gì, Ý nghĩa của chỉ số HCT trong chẩn đoán bệnh