Tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đang trở thành nỗi lo sợ của phần đông khách hàng hiện nay. Trong bài viết này, Tạp chí Y Học Việt Nam sẽ giới thiệu đến độc giả thuốc Zidocin DHG 125mg chuyên điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.
1. Zidocin DHG 125mg là thuốc gì?
Zidocin DHG là một loại thuốc kháng sinh phổ biến rộng rãi trên thị trường nội địa Việt Nam. Loại kháng sinh này được nghiên cứu và sản xuất bởi Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang. Sản phẩm có giá bình dân và được chỉ định dùng cho nhiều trường hợp nhiễm trùng nên được sử dụng phổ biến.
Dạng bào chế: Viên nén bao phim.
Quy cách đóng gói: Hộp 2 vỉ * 10 viên.
Thành phần:
- Spiramycin: 750.000 IU.
- Metronidazol: 125mg.
- Tá dược: vừa đủ 1 viên.
2. Công dụng của Zidocin DHG
Bản chất là một loại thuốc kháng sinh phối hợp, Zidocin có tác dụng mạnh trong việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm do vi khuẩn gây ra, điều trị tốt cho các trường hợp nhiễm trùng. Zidocin cũng có tác dụng dự phòng các phản ứng viêm có thể xảy ra trong các trường hợp phẫu thuật.
3. Chỉ định
Zidocin DHG được chỉ định dùng cho các trường hợp cụ thể là:
- Nhiễm trùng răng miệng cấp, mạn tính hoặc tái phát: áp xe răng, viêm nướu, viêm nha chu, viêm dưới hàm, viêm tế bào quanh xương hàm,…
- Phòng ngừa nhiễm khuẩn răng miệng sau các cuộc phẫu thuật.
4. Các thành phần của Zidocin DHG có tác dụng gì?
Thành phần trong một viên nén Zidocin:
- Spiramycin: 1 loại kháng sinh họ macrolid, có phổ tác dụng trên nhiều vi khuẩn gây bệnh cho răng miệng như: liên cầu khuẩn (trừ nhóm D), phế cầu khuẩn, Mycoplasma, Actinomyces, Chlamydia,… Cơ chế tiêu diệt vi khuẩn của Spiramycin là liên kết với các tiểu đơn vị ribosome 50S của vi khuẩn với tỷ lệ 1:1 để ngăn cản sự tổng hợp protein.
- Metronidazol: Kháng sinh thuộc họ 5-nitro-imidazol, với hoạt tính kháng khuẩn đối với các vi khuẩn vùng răng miệng như Peptococcus, Peptostreptococcus, Clostridium, C. perfringens,… Các vi khuẩn này có bào quan Hydrogenosome chứa các protein ferredoxin oxy hóa khử hoạt tính rất cao. Khi sử dụng Metronidazol, Ferredoxin trong vi khuẩn sẽ khử nhóm nitro của metronidazol thành nhóm nitroso – một nhóm có tính oxy hóa cao, độc với tế bào. Hợp chất nitroso này sẽ tấn công trực tiếp và phá vỡ ADN vi khuẩn để tiêu diệt chúng.
- Tá dược vừa đủ 1 viên: Tinh bột sắn, talc, avicel, magnesi stearat, sodium starch glycolate, natri lauryl sulfat, ludipress, PVP K30, PVA, HPMC, titan dioxyd, kollidon VA 64, màu eurolake ponceau.
5. Cách sử dụng thuốc Zidocin DHG
Liều dùng: Theo hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là liều dùng tham khảo cho các đối tượng khác nhau:
Người lớn: Dùng 4 – 6 viên/ ngày, chia thành 2 – 3 lần uống. Với trường hợp nặng hơn có thể dùng đến 8 viên 1 ngày.
Trẻ em từ 10 – 15 tuổi: dùng 3 viên/ ngày.
Trẻ em từ 6 – 10 tuổi: dùng 2 viên/ ngày.
Cách dùng: Uống trực tiếp với nước sôi để nguội. Thuốc dùng theo đơn của bác sĩ. Hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần thêm thông tin.
6. Thuốc Zidocin DHG có dùng được cho phụ nữ có thai, đang cho con bú không?
Các bà mẹ đang mang thai được khuyến cáo không dùng thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đối với các bà mẹ có con nhỏ, nếu sử dụng thuốc phải ngừng cho con bú.
7. Thuốc Zidocin DHG 125mg có giá bao nhiêu?
Giá Zidocin DHG tham khảo trên thị trường: 34.000 VNĐ/ hộp 2 vỉ* 10 viên. Giá bán có thể thay đổi tùy thuộc vào các đơn vị phân phối và các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên mức chênh lệch là không đáng kể.
8. Thuốc Zidocin DHG 125mg có thể mua ở đâu?
Thuốc có bán tại nhiều hệ thống nhà thuốc lớn trên toàn quốc và tại các quầy thuốc bệnh viện. Tuy nhiên, không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà phải qua hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ.
9. Chống chỉ định
- Người mẫn cảm với spiramycin, metronidazol hoặc bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Trẻ em dưới 6 tuổi.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hoặc đang cho con bú.
- Người nghiện rượu.
10. Tác dụng phụ của Zidocin DHG
- Trên hệ tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, nôn, đau dạ dày, tiêu chảy, một số ít còn gặp viêm đại tràng giả.
- Trên da và niêm mạc: dị ứng, nổi mề đay, phát ban, ngứa ngáy.
- Trên hệ thần kinh trung ương: ít gặp, chủ yếu xuất hiện khi thời gian dùng thuốc dài.
- Các triệu chứng điển hình: chóng mặt, mất điều hòa, dị cảm, viêm đa dây thần kinh cảm giác và vận động.
- Trên hệ tiết niệu: Nước tiểu màu nâu đỏ.
- Liên quan đến Metronidazol: viêm lưỡi, khô miệng, vị kim loại trong miệng, giảm bạch cầu vừa phải (sẽ hết khi ngừng sử dụng thuốc).
11. Lưu ý khi sử dụng
- Chú ý với bệnh nhân rối loạn chức năng gan vì thuốc có thể ảnh hưởng xấu đối với gan.
- Không uống rượu trong thời gian sử dụng thuốc.
- Với các trường hợp điều trị lâu dài, nên kiểm tra công thức máu thường xuyên để phát hiện những ảnh hưởng bất thường.
- Thận trọng với người có bệnh thần kinh trung ương và ngoại biên.
- Cẩn thận với người mắc bệnh dạ dày, viêm ruột, viêm kết mạc.
- Không uống thuốc lúc nằm.
- Ngừng sử dụng ngay khi có mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
12. Dược động học
- Hấp thu: Metronidazol được hấp thu nhanh và hoàn toàn ngay sau khi uống thuốc. Spiramycin hấp thu không hoàn toàn ở đường tiêu hóa, khoảng 20 – 50% khi sử dụng đường uống. Sự hấp thu không bị thức ăn ảnh hưởng.
- Phân bố: Các hoạt chất trong Zidocin DHG dễ thâm nhập vào các mô thuộc vùng răng miệng: nướu, xương ổ răng và nước bọt.
- Chuyển hóa sinh học: Spiramycin và Metronidazol đều được chuyển hóa tại gan. Metronidazol được chuyển hóa thành các chất dạng hydroxy và acid, trong khi hoạt tính các chất chuyển hóa từ Spiramycin vẫn chưa được xác định rõ.
- Thải trừ: Spiramycin thải trừ chủ yếu tại mật, với thời gian bán thải thường từ 5 đến 8 giờ. Metronidazol cũng được thải trừ qua mật, và qua nước tiểu một phần ở dạng glucuronide, thời gian bán thải trung bình là 8 giờ.
13. Tương tác thuốc
Thuốc có chứa Spiramycin, dùng chung với thuốc tránh thai làm mất tác dụng ngừa thụ thai. Thận trọng khi phối hợp với Levodopa.
Với thành phần metronidazol:
- Tăng tác dụng chống đông của warfarin.
- Tăng tác dụng của thuốc giãn cơ không khử cực vecuronium.
- Tác dụng với rượu gây phản ứng kiềm disulfiram.
- Tăng nồng độ lithium trong huyết thanh.
- Phenobarbital làm tăng chuyển hóa metronidazol.
14. Xử trí quá liều
Đối với metronidazol: Đã có báo cáo về sử dụng một liều duy nhất đến 15g. Với triệu chứng gặp phải là buồn nôn, nôn, mất điều hòa. Báo cáo sau 5 đến 7 ngày dùng liều 6 – 10,4g/ 2 ngày gây độc thần kinh: co giật, viêm dây thần kinh ngoại biên. Không có thuốc giải độc đặc hiệu khi dùng quá liều metronidazol, cách xử trí là điều trị triệu chứng hỗ trợ.
Chưa có báo cáo về trường hợp quá liều và cách xử trí đối với spiramycin.