Biên tập: Lê Thị Thùy Dung – SV Dược năm 4- ĐH HUTECH.
Đột quỵ và sa sút trí tuệ là một trong những vấn đề ngày càng được quan tâm trên toàn cầu.
Đã có nhiều tranh cãi về mối liên quan giữa việc uống cà phê và trà đối với đột quỵ và chứng sa sút trí tuệ.
Kết quả một vài nghiên cứu trước đây đã cho thấy có sự liên quan của việc tiêu thụ trà và cà phê trong sự tiến triển của đột quỵ và chứng sa sút trí tuệ [1][2].
Tuy nhiên, ít có dữ liệu về mối liên quan giữa sự kết hợp cà phê và trà đối với nguy cơ đột quỵ, sa sút trí tuệ. Do đó, một nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra mối liên hệ của cà phê và trà một cách riêng biệt lẫn kết hợp chúng đối với nguy cơ tiến triển đột quỵ và sa sút trí tuệ[3].
Nhóm nghiên cứu tiến hành trên 365.682 người tham gia có độ tuổi từ 50-74, nghiên cứu được thực hiện từ năm 2006 đến năm 2010 và họ được theo dõi cho đến năm 2020. Ngay từ đầu, những người tham gia đã tự báo cáo lượng cà phê và trà của họ bằng bảng câu hỏi trên màn hình cảm ứng. Những người tham gia sẽ được hỏi, “Bạn uống bao nhiêu tách cà phê mỗi ngày (bao gồm cả cà phê đã loại bỏ caffeine)?” Họ đã chọn một trong những câu sau: “Ít hơn một”, “Không biết”, “Không muốn trả lời” hoặc số tách cà phê cụ thể uống mỗi ngày. Ngoài ra, họ còn được hỏi “bạn thường uống loại cà phê nào?” và sau đó được hướng dẫn chọn 1 trong 6 câu trả lời loại trừ lẫn nhau như: “Cà phê loại bỏ caffein (bất kỳ loại nào)”, “Cà phê hòa tan”, “Cà phê xay (bao gồm cà phê espresso và cà phê lọc)”, “loại cà phê khác”, “không biết” hoặc “không muốn trả lời”. Với lượng trà, những người tham gia sẽ được hỏi câu tương tự, “Bạn uống bao nhiêu tách trà mỗi ngày (bao gồm cả trà đen và trà xanh)?” Họ đã chọn một trong các câu sau: “Ít hơn một”, “Không biết”, “Không muốn trả lời” hoặc số tách trà cụ thể uống mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình nguy cơ tỷ lệ Cox để đánh giá mối liên hệ giữa uống các loại cà phê và trà đối với tỷ lệ đột quỵ và sa sút trí tuệ. Mô hình Cox gồm các tiêu chí giới tính, tuổi, dân tộc, trình độ, thu nhập, BMI, hoạt động thể chất, tình trạng rượu, tình trạng hút thuốc, tiền sử ung thư, tiền sử bệnh tiểu đường, tiền sử bệnh tim mạch, nồng độ chất béo (HDL, LDL), chế độ ăn , lượng đường tiêu thụ và tăng huyết áp. Để phân tích mối liên hệ giữa uống cà phê và trà đối với đột quỵ và sa sút trí tuệ, các nhà nghiên cứu dựa vào hệ phi tuyến tính đã xác định giai mẫu lượng cà phê và trà thành uống cà phê từ 2-3 tách/ngày hoặc uống trà từ 3-5 tách/ngày riêng biệt hoặc cả cà phê và trà từ 4-6 tách/ngày.
Trong thời gian theo dõi khoảng 11,4 năm, có 10.053 người tham gia (2,8%) tiến triển đột quỵ (bao gồm cả đột quỵ do thiếu máu cục bộ và do xuất huyết) và 5.079 người (1,4%) đã tiến triển chứng sa sút trí tuệ (bao gồm Alzheimer và sa sút trí tuệ não mạch). Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, những người uống 2-3 tách cà phê hoặc 2-3 tách trà mỗi ngày giảm 32% nguy cơ đột quỵ và giảm 28% nguy cơ sa sút trí tuệ so với những người không uống cà phê hoặc trà. Hơn nữa, sự kết hợp giữa uống cà phê và trà có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và chứng sa sút trí tuệ não mạch. Ngoài ra, sự kết hợp giữa trà và cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ sau đột quỵ, với nguy cơ sa sút trí tuệ sau đột quỵ thấp nhất ở mức tiêu thụ hàng ngày từ 3-6 tách cà phê và trà (HR 0,52, 95% CI 0,32 đến 0,83; P = 0,007) [3].
Hạn chế chính của nghiên cứu này là lượng cà phê và trà do chính những người tham gia tự báo cáo, điều đó có thể gây ra các dữ liệu gây nhiễu cũng như không mang tính đại diện cho cỡ mẫu. Do đó, các tác giả nghiên cứu khuyến cáo rằng mặc dù uống cà phê và trà có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, sa sút trí tuệ và sa sút trí tuệ sau đột quỵ nhưng mối quan hệ nhân quả này cần phải được làm rõ ở các nghiên cứu sau này. Hiện tại, kết quả chỉ mang tính chất tham khảo [3].
Tài liệu tham khảo
1. Tian T., Lv J., Jin G., et al. (2019). Tea consumption and risk of stroke in Chinese adults: a prospective cohort study of 0.5 million men and women. The American Journal of Clinical Nutrition, nqz274.
2. Kokubo Y., Iso H., Saito I., et al. (2013). The Impact of Green Tea and Coffee Consumption on the Reduced Risk of Stroke Incidence in Japanese Population: The Japan Public Health Center-Based Study Cohort. Stroke, 44(5), 1369–1374.
3. Zhang Y., Yang H., Li S., et al. (2021). Consumption of coffee and tea and risk of developing stroke, dementia, and poststroke dementia: A cohort study in the UK Biobank. PLoS Med, 18(11), e1003830.