1. Thuốc Captopril Stada 25mg là gì?
Captopril Stada 25mg là một thuốc điều trị huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển (ACE) và được sản xuất bởi công ty TNHH LD Stada – Việt Nam. Đây là thuốc rất thông dụng và phổ biến, được sử dụng cho hầu hết các đối tượng bệnh nhân tăng huyết áp. Thuốc được dùng đơn độc hoặc kết hợp với các nhóm thuốc hạ áp khác nhằm đạt mục tiêu điều trị để hạ huyết áp.
Captopril Stada 25mg có SĐK là: VD-22668-15.
Thành phần chính tạo nên tác dụng điều trị của thuốc là: captopril 25mg và tá dược vừa đủ.
Hiện nay, trên thị trường thuốc được bào chế dưới dạng viên nén tròn, hình hoa, màu trắng, hai mặt bằng có khắc vạch chữ thập, viên có thể bẻ đôi.
Quy cách đóng gói: hộp 10 vỉ x 10 viên nén.
2. Chỉ định
- Tăng huyết áp: thuốc điều trị huyết áp từ nhẹ tới vừa, có thể dùng thuốc điều trị huyết áp nặng nếu liệu pháp chuẩn thất bại.
- Suy tim sung huyết: nên dùng phối hợp với nhóm thuốc lợi tiểu, chẹn beta hoặc thuốc lợi tiểu digitalis, bệnh nhân dùng liều cao trên 100mg/ngày nên giảm một thuốc lợi tiểu.
- Nhồi máu cơ tim: Điều trị trong 4 tuần, sử dụng thuốc sau 24h đầu sau nhồi máu cơ tim khi bệnh nhân đã ổn định về lâm sàng.
- Phòng suy tim có triệu chứng: dùng cho những bệnh nhân bị rối loạn chức năng thất trái không triệu chứng đã ổn định trên lâm sàng sau nhồi máu cơ tim
- Bệnh thận do đái tháo đường tuyp I: Thuốc có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhóm thuốc khác. Được để điều trị cho bệnh nhân bị suy thận do đái tháo đường tuýp 1 có protein niệu cao( albumin niệu vi lượng lớn hơn 30mg/ngày).
3. Thành phần Captopril của thuốc có tác dụng gì?
Enzym chuyển angiotensin (ECA) là peptidase có tác dụng: chuyển angiotensin I thành angiotensin II là chất gây co mạch và chống thải trừ natri qua thận, làm mất hoạt tính của bradykinin là chất gây giãn mạch và tăng thải natri qua thận.
Captopril ức chế enzym ECA nên làm angiotensin I không chuyển thành Angiotensin II, ngăn cản giáng hóa bradykinin, do đó làm giãn mạch và tăng thải trừ natri qua thận, kết quả làm hạ huyết áp.
Trong điều trị huyết áp thuốc có đặc điểm sau:
- Captopril làm giảm sức cản ngoại biên nhưng không tăng nhịp tim, hoạt chất không làm giảm huyết áp đột ngột, có tác dụng từ từ và kéo dài.
- Bệnh nhân khi sử dụng thuốc thì không bị tụt huyết áp tư thế đứng, ngoài ra captopril còn dùng được cho mọi lứa tuổi.
- Captopril và các thuốc ức chế men chuyển khác làm giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương, đồng thời thuốc còn làm chậm phì đại thất trái, giảm thiếu máu cơ tim do tăng cung cấp máu cho mạch vành.
- Hoạt chất captopril không gây trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và suy giảm tình dục trên bệnh nhân sử dụng thuốc lâu dài.
4. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng: Captopril được dùng bằng đường uống, thuốc được uống trong, sau hoặc trước ăn. Liều thuốc được điều chỉnh ở từng bệnh nhân, có thể dùng thuốc đơn độc hoặc kết hợp với nhóm hạ áp khác, liều tối đa không vượt quá 150mg/ngày.
Liều dùng:
- Tăng huyết áp: dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả, liều thay đổi ở từng bệnh nhân. Thuốc được dùng với liều khởi đầu là 25-50mg/ngày, chia 2 lần, có thể tăng liều lên 100-150mg/ngày chia 2 lần, tăng liều từng bước với khoảng cách ít nhất 2 tuần.
- Suy tim sung huyết: liều ban đầu là 6,25-12,5mg/ngày, chia 2-3 lần, liều duy trì 75-150mg /ngày, thời gian điều chỉnh khoảng 2 tuần, liều tối đa 150mg/ ngày chia làm nhiều lần.
- Bệnh thận do đái tháo đường tuyp I: liều khuyến cáo dùng 75-100mg/ngày chia làm nhiều lần, thường phối hợp với các nhóm hạ áp khác.
- Người cao tuổi: chức năng thận và các cơ quan khác đều suy giảm nên dùng liều thấp nhất có hiệu quả, liều khởi đầu 6,25mg x 2 lần/ ngày.
- Trẻ em và trẻ vị thành niên: tính hiệu quả của thuốc ở đối tượng này chưa được báo cáo đầy đủ, sử dụng thuốc dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Đối với trẻ trên 20kg, liều khởi đầu là 0,3 mg/kg x 3 lần/ ngày, khoảng cách liều tuỳ đáp ứng của từng bệnh nhân.
- Bệnh nhân suy thận: thuốc chuyển hoá chủ yếu qua thận, do đó giảm liều hoặc tăng thời gian giữa các liều. Nên kết hợp thuốc với nhóm lợi tiểu quai (furosemid).
- Nhồi máu cơ tim:
Điều trị ngắn hạn: dùng thuốc càng sớm càng tốt, liều ban đầu 6,25mg, sau 2h uống liều 12,5mg, sau 12h uống liều 25mg. Từ ngày hôm sau uống một liều 100mg/ngày, chia 2 lần/ngày trong 4 tuần.
Điều trị lâu dài: liều ban đầu 6,25mg, tiêp theo là liều 12,5mg x 3 lần/ngày trong 2 ngày, sau đó dùng liều 25mg x 3 lần/ ngày nếu không có tác dụng bất lợi về huyết động. Liều khuyến cáo bảo vệ tim mạch trong thời gian điều trị lâu dài là 75-150mg/ngày chia 2-3 lần.
5. Thuốc có dùng được cho phụ nữ có thai và cho con bú không?
- Thuốc làm chậm phát triển thai, đẻ non và nhiều tổn thương cho thai nhi, do đó tuyệt đối không sử dụng captopril cho phụ nữ có thai.
- Captopril bài tiết qua sữa mẹ gây nhiều tác dụng phụ cho trẻ bú sữa mẹ, vì vậy không dùng thuốc ức chế men chuyển cho người cho con bú.
6. Thuốc có giá bao nhiêu, có thể mua thuốc ở đâu?
Thuốc Captopril Stada 25mg đã được đăng ký và được phép lưu hành tự do tại Việt Nam, do đó bạn có thể dễ dàng mua thuốc tại các nhà thuốc bán lẻ, nhà thuốc bệnh viện, từ các nhà phân phối, …
Giá thuốc giao động từng thời điểm và tùy từng địa điểm bán thuốc mà giá thuốc có thể khác nhau. Hãy tham khảo các nhà thuốc gần bạn nhất hoặc trên các trang thương mại điện tử để nhận được giá tốt nhất.
Theo như Tạp chí Y Học Việt Nam tham khảo, thuốc Captopril Stada 25mg hiện đang được bán với giá 60.000 đồng/hộp.
7. Chống chỉ định
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc, hoặc với các thuốc ức chế men chuyển khác.
- Tiền sử phù mạch do dùng thuốc ức chế men chuyển ECA.
- Sau nhồi máu cơ tim nếu huyết động không ổn định.
- Hẹp động mạch thận 2 bên hoặc động mạch thận một bên.
- Phụ nữ có thai và cho con bú.
- Hẹp động mạch chủ hoặc hẹp van 2 lá, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn nặng.
- Dùng với thuốc chứa aliskiren trên bệnh nhân suy thận mức độ vừa và nặng, bệnh nhân đái tháo đường.
8. Tác dụng không mong muốn
Trên lâm sàng, bệnh nhân thường gặp các tác dụng phụ sau: rối loạn giấc ngủ, ho do kích ứng( ho khan), khó thở, khô họng, buồn nôn, nôn, mất vị giác, đau bụng, khô miệng, tiêu chảy, táo bón, kích ứng dạ dày, ngứa da, phát ban, rụng tóc…
9. Lưu ý khi sử dụng thuốc
- Nên thận trọng khi phối hợp captopril với thuốc lợi tiểu giữ kali ( spironolacton) và các muối có chứa kali khác do thuốc làm tăng nhẹ kali huyết.
- Thận trọng với các bệnh nhân suy thận nặng, thẩm tách máu, mất nước hoặc dùng thuốc lợi tiểu mạnh có nguy cơ hạ huyết áp cao.
- Cho kết quả xét nghiệm aceton dương tính giả trong nước tiểu.
- Khi sử dụng đồng thời thuốc ức chế men chuyển và màng thẩm tách có tính thấm cao, giải phẫu hoặc rút bớt LDL có thể xảy ra các phản ứng phản vệ.
- Cần tăng thể tích tuần hoàn khi đại phẫu, gây mê có dùng với captopril do thuốc làm hạ áp kịch phát.
- Nên sử dụng liều khởi đầu thấp 6,25-12,5mg/ngày với bệnh nhân tăng hoạt độ renin mạnh. Truyền tĩnh mạch Nacl 0,9% nếu xuất hiện hạ áp mạnh và vẫn tiếp tục sử dụng thuốc.
10. Dược động học
Hấp thu: thuốc hấp thu nhanh qua đường uống, đạt đỉnh sau uống 1 giờ, thức ăn làm giảm hấp thu thuốc nhưng không ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của thuốc.
Phân bố: thời gian bán thải của thuốc là 2 giờ, có khoảng 30% thuốc gắn với albumin huyết tương. Ở những bệnh nhân suy thận( độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 40ml/phút), thời gian bán huỷ là 30 phút, nồng độ thuốc trong huyết tương tăng cao.
Thải trừ: 90% thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận, có khoảng 40-50% thuốc còn hoạt tính. Captopril qua được hàng rào nhau thai và một phần thuốc bài tiết qua sữa mẹ.
11. Tương tác thuốc
- Các thuốc hạ huyết áp nhóm khác dùng an toàn với captopril.
- Nhóm chống viêm Steroid và NSAID làm giảm tác dụng hạ áp của thuốc.
- Khi dùng captopril với thuốc allopurinol, procainamid, thuốc kìm hãm tế bào, thuốc ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ giảm bạch cầu.
- Các thuốc cường giao cảm làm giảm tác dụng của nhóm ức chế men chuyển.
- Captopril và các thuốc nhóm ức chế men chuyển ACE có tác dụng làm tăng tác dụng giảm đường huyết của insulin, do đó nên giảm liều các thuốc điều trị đái tháo đường khi dùng cùng với captopril.
- Captopril làm tăng tác dụng hạ áp của một số thuốc điều trị loạn thần, thuốc chống trầm cảm 3 vòng.
- Tác dụng hạ áp của captopril có thể diễn ra chậm hơn khi bệnh nhân đang điều trị clonidin chuyển sang captopril.
12. Quá liều và xử trí quá liều
Quá liều: triệu chứng: sốt, nhức đầu, hạ huyết áp.
Xử trí: Ngừng dùng thuốc, cho bệnh nhân nhập viện, tiêm adrenalin dưới da, tiêm tĩnh mạch hydrocortison, tiêm tĩnh mạch diphenhydramin hydroclorid.
Truyền tĩnh mạch natri clorid 0,9% để duy trì huyết áp, hoặc loại bỏ captopril bằng thẩm tách máu.
Xem thêm:
Thuốc Agirovastin là thuốc gì? Thành phần, Công dụng, Giá bao nhiêu?