Biên tập:
Nguyễn Tô Huỳnh Châu – sinh viên Dược năm 4 – Đại học HUTECH.
Trần Tú Uyên – sinh viên Dược năm 4 – Đại học HUTECH.
Một số bệnh nhân sau khi trải qua đợt COVID-19 cấp tính sẽ xuất hiện những biến chứng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài gọi là hội chứng “COVID-19 kéo dài” hay “Hội chứng hậu COVID-19”. Tỷ lệ bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19 ước tính khoảng 10–35% bệnh nhân mắc Covid-19 cấp tính và chiếm khoảng 85% bệnh nhân nhập viện.[1]
1. ĐỊNH NGHĨA: [2][3]
Theo định nghĩa của WHO: “Hội chứng hậu COVID-19 là tình trạng bệnh nhân mặc dù đã khỏi COVID-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài thường là 3 tháng kể từ khi dương tính COVID-19 với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng”. Các triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức,… và thường có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng có thể khởi phát sau đợt COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu, các triệu chứng có thể dai dẳng hoặc tái phát theo thời gian”.[4]
2. CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA“ HỘI CHỨNG HẬU COVID-19”: [2]
– Toàn thân: sốt nhẹ, phát ban, mệt mỏi, chóng mặt, ho, đau đầu…
– Hô hấp: khó thở nhẹ, rối loạn khứu giác…
– Tim mạch: tức ngực, tim đập nhanh, đánh trống ngực…
– Tiêu hóa: rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác…
– Thần kinh: rối loạn giấc ngủ, khó tập trung, thay đổi tâm trạng….
Mặc dù rất hiếm nhưng một số người (chủ yếu là trẻ em) gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) (là tình trạng các bộ phận khác nhau của cơ thể có thể bị viêm) xảy ra trong hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19.[2]
Ở bất kỳ độ tuổi nào đều có thể gặp phải “hội chứng hậu COVID-19”. Dường như ít phổ biến hơn ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng gây ảnh hưởng lâu dài. Trẻ nhỏ có thể gặp khó khăn khi mô tả các vấn đề mà chúng đang gặp phải.[2] Thông tin về “hội chứng hậu COVID-19” ở trẻ em và thanh thiếu niên vẫn còn hạn chế.
3. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA/CHĂM SÓC BN “HỘI CHỨNG HẬU COVID-19”[3][4][5]
3.1. Chế độ sinh hoạt:
Sau khi bị nhiễm COVID-19, người bệnh cần tiếp tục được hỗ trợ và cố gắng tự sinh hoạt, ăn uống, tập luyện. Điều đó rất quan trọng cho quá trình phục hồi sức khỏe của người bệnh.
Bệnh nhân cần:
- Trang bị đầy đủ kiến thức bằng cách cập nhật tin tức về bệnh bằng các thông báo của Bộ Y Tế, bác sĩ, dược sĩ, các nguồn tin đáng tin cậy…. Cần giữ bình tĩnh trước những triệu chứng của “hội chứng hậu COVID-19”.
- Duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày. Thay vào đó, ban ngày chúng ta cần thực hiện các bài tập phục hồi sức khỏe, vận động nhẹ nhàng (đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, tập dưỡng sinh…).
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày sẽ giúp điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.
- Tập thở (hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng). Khuyến khích tham gia các hoạt động như nấu ăn, đọc sách/báo, tham gia bàn luận về tin tức trong ngày,… để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.
- Đối với trẻ em, cần tăng thời gian trò chuyện với trẻ để lắng nghe và thấu hiểu chúng hơn. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với các phương tiện truyền thông thường xuyên.
- Đặc biệt với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình vô cùng cần thiết. Sự động viên, giúp đỡ sẽ giúp giảm sự lo lắng.
3.2. Chế độ dinh dưỡng:
– Có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm trong khẩu phần nhằm cân bằng các chất đạm, béo, tinh bột, nhóm các loại hạt và rau,…
– Đối với những bệnh nhân bị giảm hoặc mất khứu giác, nên chế biến thức ăn có nhiều màu sắc để kích thích ăn.
– Cần uống đủ lượng nước mỗi ngày.
Tài liệu tham khảo
[1] ScienceDirect. Post-COVID Syndrome: Incidence, Clinical Spectrum, and Challenges for Primary Healthcare Professionals. Truy cập 13/12/2021
[2] WHO. Post COVID-19 condition (Long COVID). Truy cập: 07/12/2021
[3] CDC. Post-COVID Conditions. Truy cập: 07/12/2021
[4] HHS.gov. Guidance on “Long COVID” as a Disability Under the ADA, Section 504, and Section1557. Truy cập: 07/12/2021
[5] UpToDate. Patient education: Recovery after COVID-19 (The Basics). Truy cập: 07/12/2021