Ngày 18.06.2018, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố phiên bản thứ 11 của Bảng Phân loại Bệnh Quốc tế (ICD-11) sau hơn 10 năm xây dựng.
Lần đầu tiên, bản số hóa ICD-11 được ra mắt giúp việc sử dụng trở nên dễ dàng hơn và ít bị lỗi hơn, phiên bản mới này chứa 55.000 mã so với 14.400 của ICD-10. Đã có 31 quốc gia tham gia vào thử nghiệm sử dụng ICD-11. Phiên bản mới này sẽ được trình bày tại Hội nghị Y tế Thế giới vào tháng 5 năm 2019 để các quốc gia thành viên chấp nhận và sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022. Việc phát hành ICD-11 sẽ cho phép các nước lập kế hoạch sử dụng phiên bản mới, chuẩn bị bản dịch, và đào tạo chuyên gia y tế tại các nước.
ICD-11 góp phần phản ánh sự tiến bộ trong y học và những tiến bộ trong hiểu biết về khoa học bệnh tật. Bản này bao gồm một số chương mới, trong đó có một chương về y học cổ truyền, là phần chưa bao giờ được phân loại trong hệ thống này.
Lale Say, một điều phối viên của WHO cho biết thêm: một sửa đổi lớn trong bản ICD-11 là đưa vấn đề về chuyển giới ra khỏi chương về sức khỏe tâm thần và chuyển nó sang một chương tình dục mới được tạo ra.
Thuật ngữ rối loạn chơi game đã được thêm vào chương về rối loạn gây nghiện trong ICD-11. Rối loạn chơi game được đặc trưng bởi sự kiểm soát kém do chơi game kỹ thuật số hoặc video và giành thời gian ưu tiên cho chơi game so với các hoạt động thông thường khác, chẳng hạn như ngủ, ăn, làm bài tập ở nhà hoặc các công việc khác.
Để được mô tả là rối loạn chơi game thì hành vi này phải kéo dài 12 tháng trước. Trên thực tế chỉ có một số ít người tham gia chơi game có thể bị mắc rối loạn chơi game, nhưng các quốc gia và chuyên gia cần phải biết và tìm hiểu điều này để có biện pháp phòng ngừa và điều trị. Hiện nay trên thế giới, phần lớn những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần vẫn chưa được điều trị. Vì vậy, ICD-11 sẽ giúp cung cấp một nguồn năng lượng mới và sự nhiệt tình mới để cải thiện quá trình chẩn đoán và điều trị bởi các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
Ngoài ra các chương khác đã được cập nhật và bổ sung gồm chương về tim mạch, dị ứng, rối loạn hệ thống miễn dịch, bệnh truyền nhiễm, ung thư, sa sút trí tuệ và đái tháo đường.
Quan trọng hơn, các mã ICD-11 liên quan đến vấn đề kháng kháng sinh gần giống với Hệ thống giám sát kháng khuẩn toàn cầu (GLASS), giúp ghi chép đúng cách các mô hình kháng kháng sinh hiện nay, điều này sẽ giúp hỗ trợ nghiên cứu và sản xuất thuốc kháng sinh mới.
ICD-11 cũng có thể thu thập dữ liệu tốt hơn về an toàn trong chăm sóc sức khỏe. Với ICD-11, các vấn đề an toàn của bệnh nhân có thể được ghi chép lại tốt hơn bao giờ hết.
Tài liệu tham khảo
Megan Brooks (2018), WHO Releases New ICD-11, Medscape Medical News