Biên tập: Trần Tú Uyên – sinh viên năm 4 – Đại học Hutech.
Dù bạn đang sống với gia đình, hay vì một lý do nào đó mà phải ở xa nhà, thì chúng ta, những ngày này điều mong mỏi duy nhất cũng chỉ là được trở về bên gia đình, quây quần bên mâm cơm Tết. Mâm Tết nào, khoảnh khắc nào, ký ức nào cũng đều là vô giá. Hãy cùng nhau tìm hiểu những lưu ý về thức ăn giàu đạm và đường bột ngày Tết để có một cái Tết an toàn, khỏe mạnh bên gia đình và bạn bè.
Kết hợp các món ăn chưa hợp lý trong bữa ăn:
– Có quá nhiều đường bột trong một bữa ăn với những món trùng lặp. Ví dụ ăn bánh chưng nhưng vẫn thêm cơm hay bún, miến. Các bữa ăn như vậy quá dư thừa tinh bột, dễ gây sức ép lên dạ dày, tăng cân…
– Tiêu thụ nhiều bánh ngọt, nước ngọt, các thực phẩm nhiều năng lượng.
– Ăn nhiều món chiên xào cùng lúc gây ra dư thừa chất béo.
– Vừa có thịt heo, thịt bò, thịt gà, giò chả lại vừa có thêm hải sản dẫn đến quá nhiều chất đạm.
– Quá nhiều muối do những món dưa muối mặn, thực phẩm chế biến sẵn (thường có nhiều muối, bột ngọt). Sử dụng nhiều những thực phẩm này có tác động tiêu cực đến hệ tim mạch.
– Thiếu rau và trái cây làm thiếu hụt chất xơ và vitamin, nước. Từ đó làm cho cơ thể cảm thấy mệt mỏi, làm gián đoạn kỳ nghỉ.
Biện pháp khắc phục
– Chọn số lượng món ăn vừa phải trong mỗi bữa, xoay vòng để thưởng thức nhiều món, không dư thừa và lại thấy ngon miệng.
– Hạn chế thức ăn chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn. Nên kết hợp khẩu phần thuỷ hải sản vào bữa ăn thay cho thịt đơn thuần vì thuỷ hải sản ít béo hơn và để cung cấp vừa đủ đạm. Chất béo từ cá cũng có lợi hơn chất béo bão hòa từ thịt và dễ hấp thu hơn.
– Kết hợp khẩu phần rau xanh kèm vào các món chính để tăng chất xơ và giảm năng lượng. Ví dụ: cá hấp cuốn rau, salad… Ăn trái cây nhiều hơn, giải khát bằng trái cây tươi ít ngọt hoặc nước lọc, nước chín thay cho nước ngọt, bia, rượu. Hạn chế đồ ngọt, nhất là ở trẻ em vì có nguy cơ gây béo phì, chán ăn và dễ sâu răng.
– Rượu bia chỉ dùng thật hạn chế.
Bố trí bữa ăn ngày Tết
– Không vì quá mải mê vui chơi mà bỏ bữa, nên duy trì các bữa ăn chính như thường lệ, chỉ cần đổi món cho phù hợp sinh hoạt ngày tết. Không nên ăn dồn quá nhiều thức ăn trong một bữa ăn. Với người già và trẻ em, nếu không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế.
– Ăn đủ no, không ăn quá no.
– Nếu thiếu rau có thể sử dụng trái cây thay thế, phải tận dụng nguồn rau và trái cây tươi trong dịp này, nhưng đừng ăn quá nhiều trái cây ngọt và nhiều đường hoặc trái cây đã làm mứt. Chỉ mua trữ rau củ cho khoảng 3 ngày để đảm bảo tươi ngon.
Bảo quản thức ăn ngày Tết
– Không nên tích trữ quá nhiều thức ăn có thể dẫn đến việc bảo quản có thể không đủ tốt
– Trữ lạnh: nếu bảo quản đúng cách thì lượng chất dinh dưỡng không bị ảnh hưởng nhiều. Thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ càng lạnh thì càng ngăn được hoạt động phá hoại của vi khuẩn và làm chậm quá trình thay đổi về mặt hóa học. Tuy nhiên, ngay cả khi được lưu trữ trong tủ lạnh nhiệt độ khoảng 0,5-5 °C, thực phẩm vẫn có thể bị hỏng, đặc biệt là thịt vì vi khuẩn vẫn âm thầm hoạt động bên trong.
– Thực phẩm chế biến sẵn: dễ bị tẩm ướp các hoá chất không có lợi cho sức khỏe (chất bảo quản, hàn the, thuốc diệt nấm mốc, phẩm màu công nghiệp …), quá nhiều muối hay đường.
Biện pháp khắc phục
– Chỉ trữ vừa đủ dùng, chia thành nhiều gói nhỏ để dùng hết sau khi rã đông, làm lạnh nhanh để tránh hư hại thực phẩm.
– Các cách bảo quản khác: làm mứt, làm dưa, làm khô, chế biến sẵn (giò chả …).
– Chỉ rã đông đủ lượng thực phẩm cần thiết ở mỗi bữa ăn và dùng hết, không cấp đông lại
– Hạn chế bớt thực phẩm chế biến sẵn. Chọn loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tem đảm bảo chất lượng. Nên sử dụng các nguồn thức ăn tươi và sạch, nhất là đối với cho trẻ em.
Thân chúc mọi người sẽ có một dịp tết thật vui, sum họp với gia đình và thật nhiều sức khỏe, bình an!