Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí JAMA cho thấy metformin có thể được sử dụng một cách thận trọng trên đối tượng bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 với eGFR ≥30 mL/phút/1,73 m2. Trong khi đó FDA hiện đang cảnh báo ngưỡng thận trọng với metformin khi GFR ở mức 45 mL/phút/1,73m2.
Bằng chứng mới
Một phân tích mới được đăng tải trên tạp chí JAMA (06/2018) dựa trên hai nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên hơn 150.000 bệnh nhân mắc đái tháo đường týp 2. Các nhà nghiên cứu đánh giá nguy cơ nhiễm toan khi điều trị với metformin so với những trị liệu khác dựa theo eGFR (độ lọc cầu thận ước tính).1 Kết quả cho thấy:
- So với những trị liệu ĐTĐ khác, nhìn chung nhóm sử dụng metformin không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm toan (HR=0,98; 95% CI, 0,89-1,08). Kết quả tương tự ở nhóm có eGFR 45-59 mL/phút/1,73m2 (HR=1,16; 95% CI, 0,95-1,41) và nhóm có eGFR 30-44 mL/phút/1,73m2.
- Nhóm điều trị với metformin có eGFR <30 mL/phút/1,73m2 ghi nhận mối liên quan đến việc gia tăng nguy cơ nhiễm toan (HR =2,07; 95% CI, 1,33-3,22).
Trong một nghiên cứu đoàn hệ khác cũng được công bố trong năm 2018, tiến hành trên 175.000 bệnh nhân mắc ĐTĐ týp 2 và bệnh thận mạn trong khoảng thời gian từ 2004 – 2009 nhằm xác định sự khác biệt về nguy cơ tử vong khi bắt đầu đơn trị liệu với metformin hoặc sulfonylurea.2 Kết quả cho thấy:
- Nhóm đơn trị với metformin có liên quan đến nguy cơ tử vong thấp hơn (HR=0.64; 95% CI, 0,59-0,8) so với nhóm sulfonylure ở bất kì khoảng eGFR nào
- Một phân tích phụ cho thấy tỷ lệ tử vong giảm nhiều nhất ở nhóm bệnh nhân có eGFR 30-44 mL/phút/1,73 m2 khi sử dụng metformin so với sulfonylurea (giảm 12,1 ca tử vong/1000 bệnh nhân-năm)
Bàn luận và tạm kết
Các bằng chứng mới cho thấy metformin có thể an toàn cho bệnh nhân suy giảm chức năng thận ở ngưỡng eGFR thấp hơn, cụ thể là eGFR ≥30 mL/phút/1,73m2.
Bên cạnh đó, khởi trị bằng metformin có nguy cơ tử vong thấp hơn so với khởi trị bằng sulfonylurea trên BN mắc ĐTĐ týp 2 kèm suy thận mức độ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, metformin còn có khả năng dung nạp tốt ở đa số bệnh nhân cùng với chi phí điều trị thấp.
Cho tới thời điểm hiện tại, FDA chỉ đồng ý metformin sử dụng an toàn ở bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận mức độ nhẹ-trung bình và cảnh báo không nên bắt đầu sử dụng metformin khi eGFR <45 mL/phút/1,73m2 và khuyến nghị cần thảo luận thêm về nguy cơ và lợi ích ở các bệnh nhân có eGFR trong khoảng 30-45 mL/phút/1,73 m2 cũng như theo dõi chặt chẽ chỉ số creatinin và các triệu chứng suy giảm chức năng thận.
- Bàn luận của chuyên gia: những kết quả mới này giúp củng cố thêm thực hành cho các bác sĩ lo ngại kê đơn metformin ở đối tượng có suy giảm chức năng thận, bất kể mức eGRF; và nên ưu tiên metformin so với sulfonylurea ở nhóm đối tượng nói trên.3
Tài liệu tham khảo
- Benjamin Lazarus, MBBS, MPH; Aozhou Wu, MH; Jung-Im Shin, MD, PhD; et al. Association of Metformin Use With Risk of Lactic Acidosis Across the Range of Kidney Function; A Community-Based Cohort Study.JAMA Intern Med June 4, 2018.
- Marcum ZA et al. Mortality associated with metformin versus sulfonylurea initiation: A cohort study of veterans with diabetes and chronic kidney disease.J Gen Intern Med 2018 Feb; 33:155.
- Paul SM. Monotherapy with Metformin vs. Sulfonylureas for Type 2 Diabetes with Impaired Kidney Function.JWatch April 3, 2018.